Nghệ An: 100 lao động sang Hàn Quốc thì có 57 người trốn ở lại khi hết hạn hợp đồng
(Dân trí) - Có thời điểm cứ 100 lao động Nghệ An sang Hàn Quốc làm việc thì có đến 57 người không về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Sau nhiều nỗ lực, hiện số lao động của tỉnh này bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc khi hết thời hạn làm việc giảm xuống còn 30%.
Hơn một nửa lao động bỏ trốn ra ngoài khi hết hợp đồng
Thực hiện kế hoạch đưa lao động VN sang làm việc ở Hàn Quốc theo diện chương trình EPS, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã đưa hơn 7.400 người sang làm việc tại Hàn Quốc. Với mức lương 1.000 USD/tháng, nguồn ngoại tệ từ lực lượng lao động này gửi về quê là một con số rất lớn mỗi năm. Đưa người sang làm việc tại Hàn Quốc được xem là mũi nhọn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của tỉnh này.
Tuy nhiên, Nghệ An cũng là tỉnh có số lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc làm việc sau khi hết hạn hợp đồng vào diện nhiều nhất cả nước. “Có thời điểm, tỷ lệ lao động trốn ở lại sau khi hết hạn lên tới 57%, nghĩa là cứ 100 lao động sang Hàn Quốc làm việc thì có 57 người trốn ở lại, không về nước đúng kỳ hạn” - ông Nguyễn Đăng Dương, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An thông tin.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, từ năm 2012 đến tháng 3/2017, 2.347 lao động hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, huyện Nghi Lộc có 358 người, TP Vinh 254 người, TX Cửa Lò 240 người, Hưng Nguyên 203 người, Thanh Chương 197 người, Nam Đàn 195 người…
Tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc làm việc sau khi hết hạn hợp đồng lớn khiến 11 huyện tại Nghệ An bị cấm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. “Đây là một thiệt thòi lớn đối với lao động trong tỉnh. Đáng lẽ mỗi năm tỉnh Nghệ An có thể đưa hơn 2.000 lao động sang thị trường này nhưng giờ thì khó đạt được khi phía Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động từ 11 huyện, thị xã”, ông Nguyễn Đăng Dương cho biết thêm.
Mặc dù lao động trước khi sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng thế nhưng mức thu nhập lên tới hơn 20 triệu đồng/tháng khiến nhiều người sẵn sàng chấp nhận mất tiền ký quỹ để ở lại Hàn Quốc làm việc sau khi hết hạn hợp đồng.
“Ở Hàn Quốc, một số lao động bất hợp pháp còn được trả lương cao hơn lao động hợp pháp do chủ sử dụng lao động không phải mất phí môi giới, không mất chi phí nộp bảo hiểm cho người lao động. Bởi vậy, dù có phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng họ vẫn chọn cách trốn ra ngoài, trở thành lao động chui khi hết hợp đồng. Về Việt Nam, không dễ để kiếm được việc làm có mức thu nhập bằng một nửa như thế”, anh Hoàng Minh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có thời gian làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Dương cho rằng, việc phát hiện lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng không dễ dàng, nhất là khi không nhận được sự phối hợp chặt chẽ ngay từ người sử dụng lao động. “Hàn Quốc có chế tài mạnh đối với việc sử dụng lao động bất hợp pháp. Nếu phát hiện có sử dụng lao động bất hợp pháp, ngoài việc bị phạt đến 25.000 USD, doanh nghiệp còn bị cấm tiếp nhận lao động ngoài nước 2 năm. Bởi vậy, nếu lao động bất hợp pháp bị phát hiện thì chính các ông chủ sẽ “chạy” trước để tránh bị phạt”.
“Buộc” trách nhiệm cho thân nhân lao động bỏ trốn
Từ năm 2012 đến tháng 2/2017, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã vận động được 2.967 lao động (55,8%) về nước đúng hạn trong tổng số 5.314 người phải về nước theo quy định. Riêng trong tháng 2/2017, Nghệ An có 95 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng, chỉ có 111 người trở về nước đúng hạn.
Việc lao động bỏ trốn ra ngoài sau khi hết hợp đồng đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu lao động và thiệt thòi lớn cho những lao động người Nghệ đủ điều kiện được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Bởi vậy, ngành chức năng tỉnh Nghệ An cũng đang nỗ lực để giảm thiếu tối đa tình trạng này.
Bên cạnh nâng cao giáo dục định hướng cho lao động trước khi xuất cảnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH đã đến từng địa phương có số lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc cao để tổ chức đối thoại, vận động thân nhân các lao động động viên con em mình trở về đúng kỳ hạn.
Cùng với đó, danh sách lao động bỏ trốn cũng được dán công khai tại trụ sở UBND xã, phường để “buộc” thân nhân các lao động có trách nhiệm hơn trong việc vận động, thuyết phục con em mình. Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cũng đang đề xuất đưa nội dung vận động lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn vào tiêu chí thi đua hàng năm của các địa phương.
“Đây là nhiệm vụ này hết sức khó khăn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại, vận động thân nhân các lao động trong việc nâng cao trách nhiệm đối với người lao động đang trốn ở lại Hàn Quốc. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng hiện tại, tỷ lệ lao động Nghệ An bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng vẫn chiếm đến hơn 30% lao động tỉnh này sang đây làm việc”, ông Nguyễn Đăng Dương cho biết thêm.
Hoàng Lam