1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngày kiếm tiền triệu, nhân công làm đào Tết vẫn chê

Thời điểm này, các làng nghề trồng đào truyền thống tại Hà Nội đã bắt đầu vào vụ tuốt lá, đánh gốc chuẩn bị cho vụ đào Tết. Thế nhưng nhiều nhà vườn vẫn không thể tuyển được lao động có nghề dù đã trả tiền công khá cao.

Lương hậu hĩnh, bao ăn ở, có thưởng Tết

Từ 6 giờ sáng, chị Bùi Thị Lương, 45 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) đã lặn lội ra vườn đào tuốt lá đào. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, chị được bà Nguyễn Thị Kiên (65 tuổi) - chủ vườn đào ở Nhật Tân (Hà Nội) thuê về làm vườn đào Tết. 

Chị Lương là một trong ít lao động chăm chỉ, gắn bó lâu dài với vườn bà Kiên. Ngoài việc trả một mức lương hậu hĩnh, bà Kiên còn bao ăn bao ở, thưởng Tết cho chị Lương để có thể "giữ chân" chị làm việc lâu dài.

Bà Kiên cho biết: "Công việc không quá vất vả, nhưng tuyển được lao động biết việc, làm lâu dài thì rất khó". Theo bà Kiên, hiện giờ tiền công cho một lao động làm công việc bình thường là tuốt lá đào phải từ 500-600 nghìn đồng/1 ngày, bao ăn ở. Riêng với những lao động có kinh nghiệm, chăm chỉ, gắn bó lâu dài thì tiền công phải từ 700 nghìn đồng/1 ngày trở lên.

Ngày kiếm tiền triệu, nhân công làm đào Tết vẫn chê - 1

Bà Nguyễn Thị Hải (62 tuổi) nhận tuốt lá đào thuê tiền công là 600 nghìn đòng/ngày. Ảnh: N.T

Với 5 sào đào, mỗi năm vào vụ Tết bà phải tuyển từ 3-4 lao động làm công việc tuốt lá đào. Đó là chưa kể, đầu năm, giữa năm cũng thuê lao động khuân đất, bón phân, cắt tỉa cành.

"Trung bình mỗi năm phải thuê lao động làm từ 1-2 tháng liên tục. Tiền công thuê lao động, tiền phân bón, giống cây... rất tốn kém. Làm sào đào thu được 200-300 triệu đồng như trừ chi phí đi lãi lời cũng chẳng còn bao nhiêu", bà Kiên kể.

Cũng theo bà Kiên, dù tiền công khá cao nhưng việc tìm lao động làm vườn đào Tết cũng rất khó. Yêu cầu lao động phải có kinh nghiệm làm nông nghiệp, biết cắt tỉa cành, biết cách tuốt lá đào. Nhiều người kinh nghiệm không có, nhưng còn ngại khó ngại khổ thì không thể làm được.

Nghề nguy hiểm, dễ mắc bệnh?

Tiền công cao nhưng không phải lúc nào nhà vườn cũng thuê được lao động. Lý do là bởi công việc làm vườn đào nghe chừng đơn giản nhưng khá nguy hiểm và vất vả.

Bà Nguyễn Thị Hải (62 tuổi, quê Nam Định) đang tuốt lá đào cho vườn bà Kiên cho biết: "Nhà nghèo con cái vất vả nên đi làm thêm kiếm mấy đồng về tiêu Tết. Trước tôi cũng xin rửa bát bưng bê mấy nhà hàng nhưng họ chê già không tuyển. May có người giới thiệu bảo vườn đào Tết cần người tuốt lá đào nên tôi thử xem. Công việc này cũng gần với công việc làm nông của tôi nên tôi làm được".

Ngày kiếm tiền triệu, nhân công làm đào Tết vẫn chê - 2

Công việc đánh gốc, vận chuyển đào không dành cho lao động có sức khỏe yếu. Ảnh: N.T

Tuy nói là làm được, nhưng công việc tuốt lá đào cũng không hề đơn giản. Vì vườn đào cây cành cao, nên bà phải bắc thang chữ A trèo lên mấy ngọn cây cành đào cao chừng 3-4 m mới tuốt được lá. Nếu bất cẩn là có thể bị té ngã bất cứ lúc nào.

"Nhiều lúc đứng lâu mỏi hết tay chân, mắt hoa, người mệt nhưng cũng phải cố gắng. Được cái công việc túc tắc, đơn giản nên cố gắng", bà Hải nói.

Ngoài tuốt lá đào, các vườn cũng đang tuyển lao động làm công việc đánh gốc đào, bốc vác chở đào.

Ông Nguyễn Văn Lợi, 65 tuổi (chủ vườn đào ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết thời điểm này ông đang cần thợ đào khoảng 400 gốc đào và vận chuyển 100 gốc đào to. Tuy nhiên, thuê lao động làm công việc này rất khó.

"Người không có kinh nghiệm thì không thể làm. Lao động làm được việc thì đòi giá quá cao, hét giá tiền triệu. Thuê 1 lao động đánh gốc, khuân đào ngày 1 triệu đồng mà lao động còn chê không làm ấy", ông Lợi nói.

Năm nào cũng vậy, khoảng thời gian 1-2 tháng trước Tết, lúc nào nhà ông cũng phải thuê 2-3 lao động. Nếu thuê theo tháng thì ông sẽ bao ăn ở, tiền lương khoảng 12-15 triệu đồng, chưa kể thưởng Tết. Còn thuê theo ngày thì phải trả tiền công từ 1 -1,3 triệu đồng/1 ngày.

"Mỗi vụ đào Tết như vậy nhà tôi cũng mất 40-50 triệu tiền thuê nhân công tuốt lá, đánh gốc, trông giữ đào...", ông Lợi chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi) thợ trồng và chuyên nhận đánh gốc đào thuê cho biết: "Công việc đánh gốc đào rất vất vả, không phải ai cũng có kinh nghiệm và sức khỏe để làm việc. Nhiều khi cùng mọi người khiêng vác cây đào cồng kềnh nặng 70-80kg không cẩn thận là sụn lưng luôn".

Dù biết công việc vất vả, dễ gặp tai nạn, mắc bệnh nghề nghiệp nhưng anh vẫn phải cố gắng làm việc, bởi vì không làm thì chết đói.

Theo danviet.vn