Năm 2020: Mức đóng BHXH tối đa của công chức, viên chức sẽ thay đổi

(Dân trí) - Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 đang diễn ra, Chính phủ đã đề xuất việc tăng lương cơ sở năm 2020 từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu đề xuất này được thông qua, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH của công chức, viên chức sẽ lên tới 32 triệu đồng.

Năm 2020: Mức đóng BHXH tối đa của công chức, viên chức sẽ thay đổi - 1

Đồng thời, mức đề xuất tăng thêm 110.000 đồng (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng) sẽ là mức lương cơ sở được tăng cao nhất từ trước đến nay. Điều này sẽ có nhiều điểm lợi cho đối tượng công chức, viên chức.

Bên cạnh việc tăng lương cơ sở, các khoản đóng tính BHXH dựa theo lương cơ sở cũng được tăng lên tương ứng.

Đơn cử như việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội. Tại Khoản 1, Điều 85, Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, số tiền đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức được quy định như sau:

Số tiền đóng BHXH = Mức tiền lương tháng x 8% = (Lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở) x 8%

Nếu đề xuất tăng lương cơ sở 2020 lên 1.600.000 đồng/tháng được thông qua, số tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo.

Cụ thể, Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Dự kiến, mức tiền lương tối đa tính đóng BHXH = 1.600.000 đồng x 20 = 32.000.000 đồng.

Mức tiền đóng này nhiều hơn 3.200.000 đồng so với mức hiện hành là 29.800.000 đồng (tương ứng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng).

Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm y tế với nhiều đối tượng cũng sẽ được thay đổi.

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 7 và Khoản 2 Điều 1, Khoản 2, 3, 4 Điều 2 và Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau; trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng; người thuộc hộ cận nghèo;... có mức đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương cơ sở.

Nếu lương cơ sở tăng lên 1.600.000 đồng/tháng từ 1/1/2029, mức đóng của các đối tượng trên cũng tăng lên, cụ thể: 1.600.000 đồng x 4,5 % = 72.000 đồng/tháng (trước đây là 67.050 đồng/tháng).

Tăng tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Trường hợp lương cơ sở tăng lên 1.600.000 đồng/tháng, mức trợ cấp một lần khi sinh con và trợ cấp dưỡng sức sau sinh cũng sẽ được điều chỉnh:

Nếu với mức lương cơ sở mới, tiền trợ cấp một lần khi sinh con = 2 tháng lương cơ sở x 1,6 triệu đồng = 3,2 triệu đồng (trước đây là 2,98 triệu đồng).

Trợ cấp dưỡng sức sau sinh = 30% lương cơ sở x 1,6 triệu đồng = 480.000 đồng/ngày (trước đây là 447.000 đồng).

Hoàng Mạnh