Mượn giấy tờ cháu ruột đi làm, người lao động phải khởi kiện đòi quyền lợi

Hoàng Lam

(Dân trí) - Quá tuổi theo yêu cầu tuyển dụng của công ty, bà X. mượn giấy tờ của cháu để làm hồ sơ. Sau gần 9 năm, nữ lao động này mới tá hỏa khi biết quyền lợi bảo hiểm của mình bị "treo" do trùng thông tin.

"Treo" bảo hiểm vì trùng thông tin

Do sinh con nhỏ và có ý định nghỉ hẳn, chị N.T.N. (35 tuổi, trú tại huyện Đô Lương, Nghệ An) đi làm thủ tục hưởng bảo hiểm một lần. Tuy nhiên, khi đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), chị N. được báo thông tin sổ bảo hiểm của mình bị trùng.

"9 năm trước, em chồng tôi chưa đủ 18 tuổi nên mượn chứng minh nhân dân của tôi làm hồ sơ xin vào làm việc tại một công ty ở TPHCM. 2 năm sau, tôi cũng vào đó làm, một thời gian thì nghỉ. Năm 2019, tôi về quê, xin vào làm việc ở công ty hiện tại", chị N. kể.

Nữ lao động này không biết việc cho em chồng mượn chứng minh nhân dân để đi làm là sai. Chị cũng không biết giải quyết vụ việc của mình như thế nào, trong khi đó, với việc sổ bảo hiểm bị "treo", thủ tục hưởng chế độ một lần của nữ công nhân này cũng không được giải quyết.

Mượn giấy tờ cháu ruột đi làm, người lao động phải khởi kiện đòi quyền lợi - 1

Người lao động thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH tại BHXH tỉnh Nghệ An (Ảnh: Đ. Tuyên).

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng Phòng Quản lý thu - sổ, thẻ BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, có thời điểm, trong vòng 1 tháng, đơn vị (bao gồm cả BHXH cấp huyện) tiếp nhận thông tin của rất nhiều lao động xin tư vấn giải quyết tình trạng trùng thông tin sổ BHXH.

Số lao động này chủ yếu là quê Nghệ An có thời gian làm việc tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM... Một số trường hợp đến nộp hồ sơ đề nghị gộp sổ (trong đó người lao động chỉ có 1 sổ BHXH và đề nghị cấp mất các sổ còn lại).

Qua làm việc, người lao động đã thừa nhận cho mượn hồ sơ dẫn đến thông tin trên cơ sở dữ liệu của ngành BHXH báo trùng.

Việc mượn hồ sơ chủ yếu rơi vào các trường hợp: chưa đủ tuổi hoặc đã quá tuổi tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động theo điều kiện tại thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp; liên quan đến bằng cấp nghề nghiệp đã được đào tạo mà doanh nghiệp yêu cầu.

Mượn giấy tờ cháu ruột đi làm, người lao động phải khởi kiện đòi quyền lợi - 2

Nhiều lao động mượn giấy tờ để ký hợp đồng lao động dẫn tới bị trùng thông tin sổ BHXH (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm trước, xuất phát từ nhu cầu việc làm của người lao động và nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật cũng như chính sách BHXH. Việc mượn hay cho mượn thông tin cá nhân để giao kết hợp đồng lao động không chỉ vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động về BHXH", bà Thảo nói.

Khởi kiện ra tòa án

Theo bà Thảo, tình trạng lao động trùng thông tin bảo hiểm do mượn hồ sơ, giấy tờ để ký hợp đồng lao động đã được ngành bảo hiểm phát hiện, kiến nghị, đề xuất các cơ quan liên quan có phương án giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ngành BHXH cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin tại các buổi hội nghị đối thoại giải đáp vướng mắc chính sách BHXH để người lao động và các đơn vị sử dụng lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ngày 22/5/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ và thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thuộc tòa án nhân dân các cấp.

Mượn giấy tờ cháu ruột đi làm, người lao động phải khởi kiện đòi quyền lợi - 3

Việc quản lý BHXH bằng phần mềm sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn tình trạng trùng thông tin bảo hiểm do mượn giấy tờ ký kết hợp đồng lao động (Ảnh: Hoàng Lam).

Người lao động phải có đơn kiến nghị gửi đến tòa án để được xem xét xử lý. Trên cơ sở phán quyết của tòa án, cơ quan BHXH sẽ thực hiện các bước tiếp theo để điều chỉnh thông tin nhân thân, cấp lại sổ  BHXH cho người lao động theo đúng quy định.

Năm 2015, do hai con học đại học nên chị N.T.X. (SN 1973, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) có ý định xin vào làm việc tại một công ty may gần nhà để kiếm thêm thu nhập. Do quá tuổi theo yêu cầu tuyển dụng của công ty, chị X. mượn chứng minh nhân dân của cô cháu họ ít hơn mình 3 tuổi để làm hồ sơ và được tuyển dụng vào làm việc.

Năm 2022, cháu gái bà X. chuyển công ty, đi gộp sổ bảo hiểm nhưng do bị trùng thông tin nên không giải quyết được.

"Tôi đi hỏi, họ hướng dẫn phải khởi kiện ra tòa mới sửa được. Nói thật, công nhân như chúng tôi nói kiện cáo thì sợ, hơn nữa mình không biết quy định, phải thuê luật sư thì tốn kém.

Mình đi mượn, chẳng lẽ lại để cháu bị liên lụy, mà sổ bảo hiểm của tôi cũng bị "treo". Sau khi suy nghĩ, tính toán, theo hướng dẫn, tôi quyết định khởi kiện ra tòa để yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động giữa tôi và công ty vô hiệu", bà X. cho biết.

Sau khi tòa án tuyên hợp đồng cũ vô hiệu, phía công ty tạo điều kiện, ký lại hợp đồng lao động cho bà X.. Thời gian tham gia bảo hiểm của nữ công nhân này vẫn được tính từ đầu, bởi vậy, không bị mất khoản tiền thâm niên mỗi tháng 1,5  triệu đồng.

Sau khi giải quyết xong việc trùng thông tin bảo hiểm, việc gộp hồ sơ BHXH của cháu gái bà X. cũng được thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, phương án khởi kiện ra tòa án hiện mới chỉ thực hiện đối với một số trường hợp như: doanh nghiệp nơi người lao động sử dụng thông tin giả để ký hợp đồng đang hoạt động, người lao động đang tham gia BHXH hoặc bảo lưu quá trình tham gia BHXH.

"Trên thực tế, có những trường hợp đơn vị sử dụng lao động không còn hoạt động, giải thể hay không tìm thấy đơn vị tại địa chỉ đăng ký; người lao động mượn hoặc cho mượn hồ sơ đã chết hoặc mất tích hay người lao động điều chỉnh về tuổi thật nhưng chưa đủ tuổi lao động và tham gia BHXH theo quy định của pháp luật về lao động…

Về vấn đề này, BHXH địa phương cũng đã có kiến nghị báo cáo lên cấp trên, BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng nay chưa nhận được hướng dẫn cụ thể", bà Thảo cho hay.