Mỗi năm "bỏ túi" 1 tỷ đồng từ 2.000 con rắn độc

Xuất thân trong gia đình có nghề nuôi rắn truyền thống, ngay từ khi còn nhỏ, anh Trị đã được tiếp xúc, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm nghề nuôi rắn từ cha ông. Năm 2000, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh Trị mua 100 con rắn giống, chủ yếu là rắn hổ mang phì về nuôi.

Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Hạ Văn Trị, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ nghề nuôi rắn.
Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Hạ Văn Trị, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ nghề nuôi rắn.

Sau một thời gian, đàn rắn của gia đình anh bắt đầu sinh sản và cho xuất buôn lứa rắn giống đầu tiên. Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc nuôi rắn, năm 2012, anh Trị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại nuôi rắn hổ mang phì với diện tích hơn 400m2. Mỗi ô rắn, anh Trị đều xây theo thiết kế chuẩn, liền kề nhau, vừa tiết kiệm diện tích chuồng trại vừa tiện việc chăm sóc cho ăn và khi cần bắt rắn.

Hiện tại trại rắn độc của gia đình anh Trị có khoảng gần 2.000 con rắn hổ mang phì và hàng nghìn quả trứng rắn chuẩn bị nở. Anh cho biết: Thức ăn chính của rắn hổ mang phì là gà con.

Để đảm bảo cho rắn sinh trưởng, phát triển tốt, cứ 4-5 ngày gia đình anh Trị phải dọn dẹp sạch sẽ chuồng trại và thay đất cho từng ô rắn. Anh Trị thường xuyên cho rắn uống thuốc kháng sinh dự phòng và thắp điện, bật quạt thông gió đảm bảo chuồng nuôi khô ráo, thoáng mát để rắn không bị bệnh.

So với các giống vật nuôi khác, nuôi rắn thường tốn ít thức ăn, ngày công lao động và cho hiệu quả kinh tế cao, song nghề nuôi rắn luôn đứng trước nhiều hiểm nguy, đe dọa rình rập.

Mỗi năm "bỏ túi" 1 tỷ đồng từ 2.000 con rắn độc - 2

Dù thị trường tiêu thụ rắn hổ mang phì nuôi nhốt có thời điểm biến động theo hướng giảm, nhưng nghề nuoi rắn độc vẫn là nghề mang lại thu nhập cao cho các hộ dân xã Vĩnh Sơn. Trong ảnh, gia đình chị Hà Thị Thanh Mai, khu 4, xã Vĩnh Sơn nuôi hơn 30 chuồng rắn hổ mang phì, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Chu Kiều.

Anh Trị chia sẻ: “Biết là nghề nguy hiểm, thường xuyên phải đối diện với tử thần, ban đầu thì sợ, thế nhưng, nuôi mãi rồi quen. Gia đình lúc nào cũng có sẵn thuốc sơ cứu khi bị rắn cắn. Rắn hổ mang phì được nuôi thường có nọc độc rất mạnh, do vậy, nghề này lúc nào cũng đòi hỏi sự cẩn thận, nhất là vào mùa giao phối, rắn hổ mang thường dữ tợn và hay tấn công người hơn. Nếu quá trình cho rắn ăn không có bảo hộ hoặc sơ suất, bất cẩn có thể bị rắn cắt bất cứ lúc nào”.

Theo anh Trị, chi phí thức ăn, thuốc cho rắn tốn rất ít, mỗi năm mất khoảng hơn 100 triệu, nhưng khó khăn lớn nhất đối với nuôi rắn chính là thị trường đầu ra không ổn định. Hiện nay, rắn thương phẩm của gia đình được xuất buôn cho các thương lái trong xã thu gom và xuất đi thị trường Trung Quốc.

Mỗi năm "bỏ túi" 1 tỷ đồng từ 2.000 con rắn độc - 3

Xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nổi tiếng cả nước với nghề nuôi rắn độc.

Mỗi con rắn khi cho xuất bán có trọng lượng bình quân hơn 2kg, giá bán trung bình từ 650 - 700.000 đồng/kg. Mỗi năm, trại rắn của gia đình anh Trị xuất bán khoảng hơn 1 tấn rắn độc thương phẩm và hàng nghìn con rắn giống với giá 100.000 đồng/con, chủ yếu bán rắn giống cho bà con nuôi rắn địa phương. Trừ chi phí, mỗi năm trại rắn của gia đình anh Hạ Văn Trị cho thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hạ Văn Trị còn nhiệt tình truyền nghề cho tất cả ĐVTN trong xã khi đến tham quan, học hỏi mô hình trại rắn của gia đình. Anh thường xuyên động viên các thanh niên trong xã mạnh dạn vay vốn, áp dụng kiến thức KHKT vào phát triển kinh tế gia đình…

Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, Hạ Văn Trị, Bí thư Đoàn xã Vĩnh Sơn không chỉ gương mẫu, làm tốt công tác Đoàn, anh còn tiên phong đi đầu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp và trở thành tấm gương tiêu biểu để thanh niên trong xã học tập và làm theo.

Với vai trò là Bí thư Đoàn xã, anh Hạ Văn Trị tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Sơn về chương trình, phong trào công tác Đoàn thanh niên; triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các ĐVTN; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp để giúp thanh niên có nhận thức đúng về lao động và việc làm. Anh cũng thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, kịp thời giúp họ tháo gỡ những khó khăn, giúp ĐVTN có thêm lòng tin và yên tâm tham gia phong trào Đoàn.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp/Báo Vĩnh Phúc