Lương cán bộ, công chức: Nghịch lý thấp và cao

Tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chiếm 51% khoản chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, tỷ lệ tăng nhanh song người lao động vẫn không đủ sống.

Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc bàn luận về đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương của cán bộ, công chức (CBCC) giai đoạn 2011 - 2020 vừa được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức.
 
Lương cán bộ, công chức: Nghịch lý thấp và cao  - 1
Cải cách tiền lương trong cán bộ, công chức sẽ giúp đối tượng này sống được bằng lương.

 

Sống bằng thu nhập phụ

 

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mức lương hiện nay mới chỉ đáp ứng được 65 -70% mức sống tối thiểu của CBCC. Nếu so sánh mức lương tối thiểu năm 2002 là 210.000 đồng/tháng, với hiện nay, tiền lương danh nghĩa tăng 295,2% nhưng chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng đã tăng 147,2%. Như vậy, tiền lương thực tế sau 9 năm chỉ tăng 59,9%, không theo kịp với đà tăng giá, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm với mức tăng trên 200%.

 

Theo Tiến sĩ Vũ Như Thăng (Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính), phương thức trả lương truyền thống mang tính bình quân, cào bằng và chế độ phụ cấp dàn trải khiến tiền lương và vai trò của lương ngày càng thấp. Tổng nguồn ngân sách chi lương không thấp và liên tục tăng, song việc trả lương không phân biệt giữa người làm nhiều với người làm ít khiến lương cán bộ, công chức thấp, khoản chi có tính chất lương lại tăng nhanh.

 

Trong khi đó, thu nhập ngoài lương của một bộ phận công chức lại rất cao, tùy thuộc vào vị trí, lĩnh vực quản lý, vùng, miền, đó là nhận định được đúc kết. Thực tế, có không ít trường hợp, tiền lương không đủ sống, nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao và không có giới hạn, không minh bạch và không kiểm soát được. Đến nay chưa có thống kê đánh giá định lượng cụ thể các khoản cả chính đáng và không chính đáng. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng "thu nhập phụ" trở thành nguồn sống chính của người ăn lương đang làm méo mó các quan hệ tiền lương - tài chính và các quan hệ xã hội, cũng như làm nảy sinh những nhân tố gây ra các tiêu cực và bức xúc xã hội.

 

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội), Việt Nam duy trì quá lâu một chính sách tiền lương thấp. Mặc dù đã thực hiện các lần cải cách nhưng luôn bị chi phối tuyệt đối bởi khả năng của ngân sách Nhà nước và gắn chặt với tiền lương tối thiểu. Lương cán bộ công chức vốn đã thấp sẵn lại càng thấp xa so với khu vực sản xuất kinh doanh, điều này chưa đảm bảo cho cuộc sống của họ. Mức lương tối thiểu, chỉ đảm bảo bù được trượt giá.

 

Lương phải đảm bảo tính cạnh tranh

 

 Điều đáng bàn là tuy tiền lương Nhà nước quy định trả cho CBCC còn rất thấp nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp do ngân sách Nhà nước bảo đảm lại chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Điều này dẫn tới thực trạng buộc phải "gọt chân cho vừa giày". Đây cũng là một trong những nút thắt khó gỡ nhất trong cải cách chính sách tiền lương đối với CBCC vừa qua.

 

TS Dũng cho rằng, "vấn đề là chúng ta không có sự giám sát, không có giới hạn… nên thu nhập của công chức không biết đến bao nhiêu là đủ, trong khi thực tế có bộ phận không nhỏ công chức hưởng lương đơn thuần".

 

Để cải thiện tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cái cốt vẫn là phải mạnh dạn "sắp xếp và đào thải" công chức, trả lương theo trình độ, công vụ. Nhiều người đưa ra phương án xóa bỏ mức lương tối thiểu, đồng thời với tinh giản bộ máy CBCC cồng kềnh.

 

Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội: Có thể nói tiền lương công chức, viên chức hiện nay vừa thấp, vừa cao bởi đội ngũ công chức đang phình quá to trong khi số làm việc hiệu quả thực sự lại rất ít. Cần phải tinh giảm 40% CCVC không đủ năng lực, chất lượng theo yêu cầu hiện nay. Chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới phải bảo đảm tính cạnh tranh, giúp CBCC sống được bằng lương. Chỉ khi đạt được mục tiêu này họ mới có thể tận tụy với công việc và dành 100% thời gian và công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần hạn chế tình trạng những bất cập ngoài luồng.

 
Theo Trần Hà
KTĐT