Lũ cao hơn 4m nhấn chìm cả gia tài, nông dân khóc nấc vì tiếc của

Hạnh Linh

(Dân trí) - Lũ về trong đêm nhấn chìm nhiều ao nuôi cá của người dân xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Nhìn vật nuôi trong trang trại trôi theo dòng nước, họ mất ăn mất ngủ vì một vụ mùa mất trắng.

Đã 3 ngày sau khi trận lũ càn quét làng mạc, đồng ruộng, anh Phạm Văn Trình (41 tuổi, thôn Chuế Cầu, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) xót xa nhìn ao nuôi cá vừa bị mất trắng.

Anh Trình cho hay, 15 năm qua, gia đình anh sống chủ yếu nhờ nguồn thu nhập từ 1,2ha ao nuôi cá. Đêm 22, rạng sáng 23/9, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Lèn đạt ngưỡng báo động III, tràn vào khu dân cư. Ao nuôi cá của gia đình anh ở cánh đồng Bái Hà cũng ngập trắng.

Lũ cao hơn 4m nhấn chìm cả gia tài, nông dân khóc nấc vì tiếc của - 1

Anh Trình xót xa khi nước lũ cuốn trôi 1,2ha ao cá (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Lũ về quá nhanh, khi thấy nước sông Lèn dâng cao, tôi đã khẩn trương dùng lưới vây quanh ao nhưng không kịp. Chỉ trong chốc lát, cơn lũ dữ đã tràn lên, ngập lút mái nhà, nhấn chìm toàn bộ ao cá", anh Trình nói.

Chủ ao cá cho biết, hơn 15 năm nuôi cá, đây là lần thứ 4 anh chứng kiến cảnh lũ lụt lịch sử. So với những lần trước thì trận lũ lần này gia đình anh thiệt hại nặng nề hơn.

"Mấy nghìn con cá chuẩn bị đến vụ thu hoạch bỗng chốc bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Bao nhiêu công sức làm lụng vất vả đều đổ sông, đổ bể. Ao cá là kế sinh nhai của cả gia đình, giờ mất trắng, tôi không biết thời gian tới có đủ sức nuôi 3 đứa con ăn học được nữa không", anh Trình chia sẻ.  

Theo anh Trình, mấy ngày qua, sau khi nước lũ rút, gia đình anh đang tập trung dọn dẹp vệ sinh lại ao nuôi, nhưng chưa "hẹn" ngày mua giống mới về khôi phục lại trong vụ mới, vì không còn vốn.

Lũ cao hơn 4m nhấn chìm cả gia tài, nông dân khóc nấc vì tiếc của - 2

Một số hộ dân chạy lũ, phải đưa lợn lên đê nuôi (Ảnh: Hoàng Dương).

"Giờ chúng tôi chỉ mong sao phía ngân hàng cho vay vốn ưu đãi, các cấp chính quyền miễn giảm tiền thuê ao, quan tâm cung cấp dung dịch khử khuẩn để hạn chế các mầm bệnh trong vụ tới", anh Trình nói.

Cách khu chăn nuôi của anh Trình không xa, ngồi trong chiếc lán dựng tạm ở bờ đê sông Lèn, ông Lê Đăng Hải (48 tuổi, thôn Chuế Cầu, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung) ngồi thất thần.

Ông Hải cho biết, trong đêm mưa lũ vừa qua, ông chỉ kịp lùa vội đàn vịt vào cánh đồng, đưa đàn gà và vài chục con lợn lên đê trú. Còn ao cá đành để nước lũ cuốn trôi.

"Gia đình tôi mất 1ha ao nuôi cá (2 ao cá giống, 1 ao cá thương phẩm), 7 con lợn nái, 35 con lợn thương phẩm, hơn 50 con gà. Lũ đã cuốn đi của gia đình tôi khoảng 150 triệu đồng. Vợ tôi tiếc của mất ăn, mất ngủ, khóc rất nhiều", ông Hải buồn rầu nói.

Hai hôm nay, mặc dù nước trên sông Lèn đã rút, song ông vẫn chưa thể vào được khu trang trại. "Để xây dựng được khu trang trại như ngày hôm nay, tôi đã tốn không ít tiền bạc, công sức. Vừa hồi lại được vốn thì trời lại không thương, cứ đổ mưa rồi lũ kéo đến khiến bao công sức đổ sông, đổ bể", ông Hải chia sẻ.

Lũ cao hơn 4m nhấn chìm cả gia tài, nông dân khóc nấc vì tiếc của - 3

Ông Hải dựng lán trên đê sông Lèn canh đàn gà của gia đình (Ảnh: Hoàng Dương).

Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Yến Sơn cho biết, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về khiến 2 thôn Chuế Cầu và Bình Lâm, ở ngoài đê sông Lèn bị ngập hoàn toàn, tổng số hộ bị ngập là 513 hộ (thôn Bình Lâm 399 hộ, Chuế Cầu 114 hộ).

Theo ông Nhân, ngày 22/9, khi mực nước sông Lèn lên cao, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã đã huy động tất cả các lực lượng xuống hỗ trợ nhân dân các thôn bị ảnh hưởng, di dời người và tài sản ra khu vực an toàn. Tuy nhiên, ao nuôi thủy sản của nhân dân, không kịp trở tay.

"Thôn Chuế Cầu có khoảng 15ha nuôi thủy sản, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Hôm nay nước lũ đang xuống, chúng tôi đang cho các lực lượng, đoàn thể giúp dân lau dọn nhà cửa, đồng thời phun khử khuẩn để tránh phát sinh dịch bệnh cho người dân sớm ổn định cuộc sống", ông Nhân nói.