Lợi ích của những câu “chuyện phiếm” chốn công sở

(Dân trí) - Mọi người thường cho rằng những câu "chuyện phiếm" sẽ tạo ra một môi trường làm việc tiêu cực. Điều này đúng với những trường hợp nói xấu sau lưng người khác, dối trá hay khoác lác. Còn nếu biết tận dụng đúng cách, nó có thể mang lại không ít lợi ích cho bạn.

Lợi ích của những câu “chuyện phiếm” chốn công sở - 1
 
Dưới đây là một số lợi ích điển hình của những câu "chuyện phiếm":

 

Nắm bắt thông tin nội bộ

 

Biết được những thông tin nội bộ qua các câu chuyênn phiếm với mọi người như một nhân viên phòng PR sắp nghỉ việc ở công ty để kết hôn, bỏ lại một vị trí hấp dẫn hay trợ lý giám đốc quên đặt lịch hẹn cho sếp khiến anh ấy nổi giận, hoặc một nhân viên phòng kế toán thích được tặng sôcôla... có thể tạo ra những cơ hội cho bạn. Bạn có thể nhanh chóng tham gia ứng tuyển vào vị trí bỏ trống đó, tránh được cơn trút giận của sếp, hay biết cách làm quen với đồng nghiệp ở phòng ban khác.

 

Tuy nhiên, hãy nhớ không tham gia vào những cuộc nói chuyện mang tính tiêu cực về tính cách hay phàn nàn về phong cách làm việc của người khác. Làm như vậy chỉ khiến bạn gặp rắc rối.

 

Lên kế hoạch cho tương lai

 

Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, bầu không khí bất ổn, sợ hãi, lo lắng đã trở nên phổ biến ở nhiều văn phòng. Các nhà lãnh đạo lên kế hoạch đóng cửa nhà máy và nhân viên sống trong nỗi sợ rằng mình sẽ mất việc, bị thuyên chuyển xa hay những người may mắn được giữ lại nhưng phải làm phần việc của 3 người với mức lương của 1 người.

 

Khi rơi vào hoàn cảnh phải thay đổi, sếp có thể sẽ không thông báo chính thức cho nhân viên cho tới khi có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, bạn cần biết thông tin sớm để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình. Như vậy, nghe ngóng tình hình qua những cuộc " buôn chuyện" với đồng nghiệp có thể là giải pháp duy nhất giúp bạn biết được điều gì đang diễn ra.

 

Tất nhiên, bạn nên giữ kín những gì mình nghe được. Nếu lan truyền tin đồn từ người này sang người khác, danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Và bạn cũng không nên là người "đổ thêm dầu vào lửa". Bạn có thể nói với người rằng " Tôi cảm thấy rất lo lắng về đợt cắt giảm nhân sự lần này. Có ai có cùng tâm trạng với tôi không?, chứ không nên nói "Có phải lần này Bình phòng kế toán sẽ bị sa thải không?".

 

Xây dựng mối quan hệ

 

Ích lợi lớn nhất của " chuyện phiếm" là xây dựng tình cảm đồng nghiệp thân thiết. Bạn sẽ vui mừng biết rằng mình không phải là người duy nhất phải chịu đựng sếp khó tính hay lo lắng về việc tái cơ cấu lại công ty và có những người xung quanh ủng hộ bạn. Cởi mở với người khác có thể giúp bạn nhận được lời khuyên hữu ích để giải quyết vấn đề mình đang mắc phải. Khi mọi người có cùng một khó khăn, nói chuyện góp phần làm tăng nền tinh thần đồng đội, chia sẻ nỗi lo và cùng vượt qua trở ngại.

 

Bên cạnh đó, hãy chú ý không làm mọi việc thêm trầm trọng. Bạn phải biết những chủ đề nào có thể nói và những chủ đề nào thì không. Và một lần nữa, hãy nhớ không nói xấu người khác, không phàn nàn dù hoàn cảnh có ra sao.

 

Vũ Vũ

Theo Dailymuse