Lao động Việt Nam trong vùng chiến sự ở Libya muốn sớm về nước

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh: Người lao động muốn về nước sẽ được tạo điều kiện. Sau nhiều cố gắng, phóng viên Báo Lao Động đã liên lạc được với một số lao động Việt Nam tại Tripoli và Benghazi - hai thành phố của Libya nơi chiến sự bùng nổ từ gần 2 tuần nay. Và nguyện vọng chung của họ: Muốn về nước sớm.

Lao động Việt Nam trong vùng chiến sự ở Libya muốn sớm về nước
Người lao động Việt Nam ở Libya làm thủ tục để về nước trong đợt sơ tán tháng 3.2011. Ảnh: Giang Huy

Người lao động muốn về nước sẽ được tạo điều kiện!


Đây là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) - về nỗ lực hỗ trợ đưa người lao động từ Libya về nước. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

- Xin ông cho biết tình hình của LĐ Việt Nam tại Libya hiện nay?

Từ tháng 2.2012, sau khi tình hình Libya ổn định trở lại, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho thí điểm đưa LĐ sang làm việc tại Libya. Đợt đưa LĐ gần đây có những điểm khác với trước, cụ thể: Các điều kiện hợp đồng ký kết với chủ sử dụng LĐ Libya chúng ta yêu cầu cao hơn trước đây (lương, điều kiện đảm bảo an toàn...); trong trường hợp có biến động phải có phương án đưa LĐ VN về nước.

Hiện chúng ta có 1.750 LĐ làm việc tại Libya.

Từ đầu tháng 7.2014, Libya có giao tranh, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Tripoli và Benghazi. Ở hai thành phố này ta có 200 LĐ làm việc. Hơn 1.500 LĐ làm việc ở các khu vực khác hiện vẫn an toàn. Theo báo cáo hằng ngày của cơ quan đại diện tại Libya, ngoài hai thành phố có giao tranh, cơ bản các nơi khác yên bình, điều kiện làm việc tốt.

Sau khi có giao tranh, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Ngoại giao thường xuyên liên lạc với Đại sứ quán VN tại Libya để nắm tình hình; chỉ đạo các DN thường xuyên nắm bắt tình hình LĐ.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. 
 Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. 

Về phía LĐ của ta tại Libya, do đặc thù tuyệt đại đa số làm việc tập trung ở các công trình xây dựng lớn nên DN có đại diện quản lý LĐ tại từng đối tác và nắm rõ từng thay đổi nhỏ, thường xuyên báo cáo về VN, những ngày này là báo cáo hằng ngày.

Đến thời điểm này, 206 LĐ của ta làm việc cho một Cty của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đã được đưa về Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường thủy. 79 LĐ đã về đến Việt Nam đêm 29.7 và 34 người về ngày 30.7, số còn lại đang trên đường về và dự kiến sẽ về trước ngày 2.8. Tại hai thành phố có giao tranh, LĐ của ta không ở vùng trực tiếp có giao tranh nhưng bộ đã báo cáo Thủ tướng để sớm đưa toàn bộ LĐ ở hai thành phố này về nước.

Ở các khu vực khác, bộ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để theo dõi tình hình LĐ, tùy theo diễn biến để kịp thời đưa về.

- Thưa ông, kế hoạch đưa LĐ về nước như thế nào?

Phương án đưa LĐ về, trong hợp đồng của các Cty VN với đối tác Libya nêu rất chi tiết. Tuy nhiên, phía bạn khẳng định ngay trong những thành phố có giao tranh vẫn có nhiều khu vực an toàn nên chủ sử dụng LĐ chưa muốn đưa LĐ về.

Chúng tôi đã yêu cầu DN phải thỏa thuận với đối tác để nhanh chóng giải quyết, trong trường hợp họ không chấp thuận, ta sẽ dùng phương tiện của ta để đưa người về.

- Với những LĐ ở ngoài hai thành phố có giao tranh có nguyện vọng về nước, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?

Với LĐ muốn về nước, chúng ta tạo điều kiện ngay lập tức.

- Số LĐ về nước sẽ được hỗ trợ như thế nào từ Quỹ Hỗ trợ LĐ ngoài nước, thưa ông?

Chúng tôi đang xem xét trên nguyên tắc vì Quỹ Hỗ trợ LĐ ngoài nước có những quy định rõ ràng: LĐ tử vong, về nước do nguyên nhân khách quan... sẽ được hỗ trợ. Hiện chúng tôi đang rà soát từng đợt về nước, căn cứ tình hình cụ thể để hỗ trợ cho NLĐ bằng tiền mặt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo Lê Phương/Báo Lao Động