Lao động trẻ thiếu kiên nhẫn và dễ bị vỡ mộng

Kết quả điều tra mới đây với 1.000 lao động trẻ (đã tốt nghiệp ĐH, CĐ) tham gia tuyển dụng trong 5 năm gần đây cho thấy độ “chênh” khá lớn giữa yêu cầu của nhà tuyển dụng với khả năng đáp ứng của người lao động...

Không có việc làm vì thiếu kiến thức xã hội

Một công ty xuất khẩu lao động (thuộc Tổng cục Du lịch VN) cần tuyển 5 cán bộ phụ trách thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… với tiêu chuẩn: Trình độ đại học; cao 1m60 trở lên đối với nam, 1m55 đối với nữ; ngoại ngữ C; nhiệt tình và am hiểu lĩnh vực công việc, thị trường lao động...

Một tháng sau khi đăng tin tuyển dụng, công ty này đã tiếp nhận 300 hồ sơ và tất cả đều đạt yêu cầu. Sau đó, công ty này tổ chức phỏng vấn trực tiếp nhằm “nhìn mặt” và kiểm tra kiến thức thực tế của các ứng viên.

Thông tin từ các cuộc phỏng vấn cho thấy: 80% ứng viên sau khi tốt nghiệp đã từng lang thang tìm việc bằng cách đi “rải” hồ sơ, chờ may mắn, chứ không có kế hoạch dài hạn, cụ thể nào để tìm việc làm.

Đa số ứng viên còn không cần tìm hiểu nhiều về công ty mà mình tham gia thi tuyển; họ chỉ biết địa chỉ và nghe thông tin báo tuyển dụng của công ty này qua phương tiện thông tin đại chúng.

Khi cán bộ phỏng vấn đặt câu hỏi: “Bạn biết gì về thị trường lao động trong và ngoài nước (xuất khẩu lao động) thời điểm hiện nay?”, đa số trả lời rất mù mờ, chỉ cảm nhận rõ thời điểm này tìm được việc làm là rất khó.

Thậm chí, có ứng viên trả lời “không biết gì”, thời gian qua chỉ lo học nên không quan tâm “chuyện xã hội”. Trước câu hỏi “Bạn có tin là tự mình có thể tìm được việc làm hay không?”, chỉ 4% trả lời “tin”, trong khi 53% kêu “rất khó”…

Tương tự, ở một số công ty thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ…, các cuộc phỏng vấn cũng cho kết quả tương tự. Báo cáo của 10 doanh nghiệp đều cho kết quả, khoảng 80% lao động tham gia tuyển không có kế hoạch tìm việc, không chịu cập nhật thông tin thị trường lao động, không tìm hiểu về công việc và công ty mình dự định vào làm việc…

Trong 1.000 lao động tham gia tuyển chọn tại 10 doanh nghiệp, có gần 50% từng làm việc tại các cơ quan, đơn vị khác, nhưng đã bỏ việc vì bất đồng với sếp, bất đồng cung cách quản lý, không thoả mãn đồng lương, không làm đúng chuyên môn, không có cơ hội thăng tiến…

Thậm chí, có 20% ứng viên tuổi 25 - 28 từng làm việc cho 4 - 5 đơn vị, công ty, nhưng đều đã bỏ đi tìm việc mới với hàng ngàn lý do khác nhau. Trước câu hỏi: “Sao phải thay đổi công việc nhiều thế?”, đa số trả lời rằng họ không đủ kiên nhẫn chờ thay đổi vị trí công việc, đồng lương, cơ hội thăng tiến…; rằng họ cần tìm việc mới, công ty mới - nơi có thể trọng dụng họ ngay chứ không muốn chịu khổ bởi các “chiêu” thử thách rườm rà.

Không tuyển người thiếu tự tin

Tâm lý chung các ứng viên đều coi trọng bằng cấp và coi thường các yếu tố khác. Ông Nguyễn Xuân Vui - Giám đốc AIRSERCO (Tổng Công ty Hàng không VN) cho rằng, thương trường như chiến trường; bí mật kinh doanh là chìa khoá của thành công.

Tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” là hệ quả sự thiếu ổn định, thiếu tự tin của lao động trẻ. Xét ở góc độ kinh doanh, tâm lý này sẽ là mầm mống của thay đổi, thoả hiệp, thậm chí là phản bội công ty nếu mỗi khi phải đứng trước sự lựa chọn. Bởi vậy, khi tuyển người, các công ty thường “soi” kỹ tiêu chuẩn này…

Ông Phùng Minh Cường - đại diện Công ty thiết bị vật tư du lịch II (Tổng cục Du lịch) cho rằng, lao động trẻ có khả năng chuyên môn cao (kiến thức sách vở), năng động, nhưng thực dụng.

Họ thường mặc cả về lương và các điều kiện, nhưng kiến thức sách vở ấy khi áp dụng vào thực tế thì lại cần thời gian, thử thách, thậm chí phải đào tạo lại mới sử dụng được.

Thế nhưng, lao động trẻ thường muốn mọi việc suôn sẻ ngay, những yêu sách phải được đáp ứng; nếu không được thỏa mãn thì họ rất dễ bị bất mãn, tiêu cực... Với tính cách ấy, khi công ty bị sa cơ, làm ăn thua lỗ thì những “nhân tài” này chắc chắn sẽ “dứt áo ra đi”...

Ông Nguyễn Quân - Phó Tổng giám đốc Công ty LOD (Bộ GTVT) lại nhìn nhận tình trạng lao động trẻ thích thay đổi công việc ở góc độ khác. Ông Quân cho rằng, hệ thống đào tạo của ta chưa hợp lý, bằng cấp chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của người lao động.

Theo đó, bản chất sự thay đổi công việc liên tiếp của lao động trẻ là quá trình đi tìm sự hợp lý giữa bằng cấp và đòi hỏi công việc trên thực tế. Bên cạnh đó, lao động trẻ thường nôn nóng muốn khẳng định vị trí công việc và đồng lương nên thường vỡ mộng trong thời gian ngắn, tạo ra tâm lý muốn thay đổi vị trí công việc và nó đã tạo ra những bước “nhảy cóc” liên tiếp.

Sự gắn kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và người lao động trẻ (một số người gọi đó là lòng trung thành với doanh nghiệp) là hệ quả của chính sách, phương pháp đào tạo, là sự lệch nhau giữa sách vở và thực tế. Xét ở góc độ vĩ mô thì đây là vấn đề bất cập của đào tạo và sự mâu thuẫn của nền kinh tế. Tuy nhiên, những bất cập này không thể thay đổi một sớm, một chiều…

Những con số, ý kiến kể trên, chắc hẳn ít nhiều giúp các bạn trẻ tự soi lại mình; đồng thời giúp các nhà quản lý có biện pháp thích hợp điều chỉnh chính sách đối với lao động trẻ.

Theo Lê Anh Đạt
Tiền Phong