1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động trẻ ở KCN: Tìm đâu mái ấm riêng?

Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi này, nhiều công nhân trẻ chợt đượm buồn. Có người bày tỏ từ chuyện nghề không ra nghề, thu nhập thấp, thuê nhà giá cao đến chuyện lập gia đình...

Yêu nhưng không dám cưới

Anh Nguyễn Tiến An, 23 tuổi, quê Chương Mỹ - Hà Tây đang làm việc cho một Công ty thuộc KCN Thăng Long chìa ra tấm thiệp mời cưới của một đôi bạn trẻ từng làm tại KCN Thăng Long và kể: Hai bạn trẻ này cùng ở quê lên Hà Nội, xin vào KCN Thăng Long rồi yêu thương nhau. Từ chỗ quyết tâm ra Hà Nội tìm việc, nay hai người quyết định trở về quê sinh sống vì thấy không “trụ” được ở thành phố.

Anh An cho hay, với thu nhập từ 600-800 nghìn đồng/người/tháng chỉ vừa đủ cho mức chi tiêu tối thiểu của một người, nếu cưới vợ rồi nuôi con thì không biết lấy tiền đâu ra.

Không mua được nhà Hà Nội, nhiều đôi dù yêu nhau cũng đành ngậm ngùi dang dở.

Lần nào gặp trong căn phòng thuê trọ ẩm mốc lụp xụp ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, chị Nguyễn Thị Liễu 22 tuổi (quê Quế Võ - Bắc Ninh) công nhân trong KCN Vĩnh Tuy cũng trong tình trạng thiếu ngủ, mắt quầng thâm vì liên tục phải làm ca đêm.

Chị Liễu cho biết, chưa kể làm ca đêm, riêng làm ca ngày thì cũng hùng hục từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối, khi trở về đến chỗ trọ đã mệt rã rời, mí mắt sụp xuống còn sức đâu mà đi chơi, tìm hiểu hay yêu đương gì. Hàng ngày những nữ công nhân thuê trọ tại phường Vĩnh Hưng chỉ biết đi từ nơi ngủ đến chỗ làm việc vào sáng sớm và trở về nhà khi trời đã tối mịt, hỏi tên mấy quán cà phê cách KCN không xa cô nào cũng lắc đầu: “chưa biết”.

Trong khi đó, công nhân làm việc tại các công ty sản xuất giày da, dệt may, thêu, sản xuất bao bì... hầu hết là lao động nữ trẻ, lại gần như chưa có khi nào được sinh hoạt tập thể, tham quan, văn nghệ nên cơ hội giao lưu, kết bạn ngày càng hiếm dần.

“Chúng tôi từ nông thôn ra thành phố làm việc tại các KCN một phần vì muốn thêm kinh nghiệm sống, muốn được biết đây đó. Thực sự chưa mấy ai xác định gắn bó lâu dài với công việc đang làm. Sau vài năm chắc là tôi lại về quê lấy vợ và nối nghiệp nghề mộc truyền thống của gia đình”- Anh Vương Quốc Biên quê xã Tam Dị (Lục Nam, Bắc Giang) làm việc tại KCN Vĩnh Tuy tâm sự.

Nhà ở cho riêng mình: Còn xa tầm tay 

Tiền thuê nhà luôn là khoản nặng gánh với tất cả mọi lao động trẻ ngoại tỉnh ở các KCN. Cả mấy xã lân cận KCN Thăng Long, Vĩnh Tuy, Từ Liêm, Nội Bài, Sài Đồng như Kim Chung, Hải Bối, Võng La, Đại Mạch (Đông Anh); phường Vĩnh Hưng (Hoàng Mai);  Phú Thị (Gia Lâm), Sài Đồng (Long Biên), Minh Khai (Từ Liêm)... có hàng ngàn hộ dân chuyển nhanh đất vườn sang xây nhà cho công nhân thuê và có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Riêng xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã có tới trên 4.000 công nhân trẻ thuê nhà, chiếm tới 43,8% dân số trong toàn xã.

Ông Phạm Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung thừa nhận, việc hình thành các KCN, và việc hàng ngàn công nhân tạm trú trên địa bàn thời gian dài đã kéo theo nhiều biến đổi về văn hoá - xã hội, về nếp sống của người dân. Tệ nạn xã hội từ nhiều nơi tràn tới.

Cũng theo ông Phạm Văn Biên, với số nhân khẩu tăng đột biến chỉ trong vài năm như vậy đã dẫn đến tình trạng quá tải về vệ sinh môi trường, hạ tầng điện, nước, trạm xá, trường học... gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Trong khi đó, dự án xây dựng nhà ở tập trung quy mô gần 20 ha sức chứa hơn 5.000 chỗ ở dành cho lao động trẻ KCN Thăng Long sau nhiều lần bàn đi tính lại vẫn còn nằm trên giấy.

Và điều đó lại càng làm tăng nỗi lo về chất lượng lao động trẻ và cũng cho thấy sự thiếu quan tâm của thành phố Hà Nội khi cân đối giữa tăng thu nhập với giải quyết các vấn đề xã hội. 

Theo Minh Tuấn, Quỳnh Liên
Tiền Phong