1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động nước ngoài vật lộn mưu sinh ở Đài Loan

Sanukorn Chanchana làm việc 70 tiếng mỗi tuần với mức lương tối thiểu tại phía bắc Đài Loan, nhưng khi hợp đồng kết thúc vào tháng 5 tới, anh định đăng ký ở lại thêm 3 năm nữa.

Chanchana, người đàn ông cường tráng 48 tuổi đến từ Chiang Rai, phía bắc Thái Lan, là một trong số 300 nghìn người lao động rời xa gia đình và để lại đói nghèo sau lưng để tìm sự thịnh vượng tại Đài Loan. Trung bình, họ kiếm khoảng 484 USD mỗi tháng trước khi trừ thuế.

Chanchana làm việc tại Đài Loan được 8 năm. Ông cho biết ra nước ngoài làm việc là sự hy sinh lớn. "Tôi nhớ vợ và hai đứa con và rất buồn vì phải xa gia đình. Nhưng tôi đang kiếm tiền và gửi về nhà, vì thế tôi phải chấp nhận sự hy sinh này".

Chanchana và những người đồng nghiệp đến từ Indonesia, Philippines và Việt Nam là một phần của làn sóng lao động di cư toàn cầu, từ các vùng đất nghèo khó đi kiếm tìm sự thịnh vượng.

Tại Đài Loan, lao động nước ngoài làm trong các ngành mà người dân địa phương không đoái hoài hoặc chê vì lương quá thấp. Công việc thợ máy mà Chachana làm tại một nhà máy dệt may gần đây chỉ được trả bằng một nửa so với người bản địa ở cùng vị trí đó. Nhưng số tiền mà lao động nước ngoài kiếm được tăng lên nhanh chóng. Thậm chí không cần làm việc ngoài giờ, họ cũng gửi được hơn 1 tỷ USD về nước mỗi năm.

Tuy nhiên, cuộc sống của họ tại Đài Loan là một cuộc vật lộn, phải chống chọi với sự cô đơn, không quen đồ ăn và tập quán và tệ hơn cả là sự vô đạo đức của giới chủ và những kẻ môi giới, những kẻ đôi khi cắt giảm lương của họ để đút túi.

Tại Chungli, một thành phố công nghiệp ở phía tây Đài Bắc, lao động nước ngoài từ Thái Lan, Việt Nam và Philippines tập trung tại Trung tâm Hy vọng, nơi trú ẩn do nhà thờ Công giáo tài trợ. Họ bàn bạc về khả năng kiếm được công việc phù hợp trong một môi trường an toàn.

Nhiều người ở trung tâm này đang tạm thời thất nghiệp sau khi công ty của họ phá sản hoặc gặp vấn đề với chủ. Hy vọng của họ là sớm kiếm được việc làm mới.

Bên ngoài trung tâm này là nhan nhản các nhà hàng Thái và các quầy gọi điện thoại quốc tế để phục vụ cho cộng đồng người nước ngoài ở đây.

Tháng 8/2005, đa số lao động Thái Lan tại thành phố Kao Hùng ở phía nam Đài Loan đã biểu tình phản đối điều kiện làm việc thấp và khiến người đứng đầu văn phòng lao động hòn đảo này phải từ chức.

(Nguồn: Báo cáo năm 2005 của Cục quản lý lao động ngoài nước)

Giới phân tích cho rằng vụ bê bối bắt nguồn từ phản ứng của người lao động nước ngoài này là lý do chính khiến đảng Dân tiến của ông Trần Thủy Biển không được ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi tháng trước.

Bruno Ciceri, một linh mục Thiên chúa La mã, người đi giảng đạo cho lao động nước ngoài tại châu Á suốt 20 năm qua, cho hay hệ thống lao động của Đài Loan đầy rẫy những sự bất công.

Những kẻ môi giới nhận được một khoản cố định từ lương hàng tháng của lao động, theo luật của Đài Loan là từ 47 đến 56 USD, phụ thuộc vào thời gian mà lao động đó làm việc tại hòn đảo. Đổi lại, bên môi giới giúp người lao động làm thủ tục cư trú và giấy tờ thuế đồng thời tìm công việc phù hợp khi cần thiết.

Tuy nhiên, Ciceri cho hay có rất nhiều trường hợp bên môi giới lấy số tiền của người lao động nhiều hơn mức cho phép và không quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Ciceri cho rằng các quy định mà Uỷ ban lao động của Đài Loan đưa ra không đủ để bảo vệ lao động nước ngoài. "Lẽ ra họ phải bảo vệ lao động người nước ngoài nhưng trên thực tế, họ không làm được", ông nói.

Một quan chức tại bộ phận lao động nước ngoài của Uỷ Ban này bác bỏ ý kiến của Ciceri. Vị quan chức giấu tên đó khẳng định người lao động nước ngoài có thể đề nghị Uỷ ban giúp đỡ nếu bị bóc lột.

Hầu hết những người nước ngoài làm việc tại Đài Loan được phỏng vấn cho biết điều kiện làm việc của họ khá tốt.

Chachana cho biết ông khá hài lòng với công việc cũ ở quận Taoyuan, phía tây Đài Bắc.

"Chúng tôi ngủ trên những chiếc giường tầng, khoảng 5 đến 6 người trong một phòng tương đối rộng. Nếu làm việc ngoài giờ nữa thì mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 625 USD. Sau khi trừ tiền bảo hiểm sức khoẻ, thuế và tiền môi giới, tôi có thể gửi về nhà gần nửa chỗ đó. Cũng không tệ lắm", ông nói.

Pham Thi Xim, 27 tuổi từ Ninh Bình, Việt Nam, cho biết cô được đối xử tốt khi làm điều dưỡng cho một phụ nữ cao tuổi ở phía bắc Đài Loan.

"Công việc đó rất nặng nhọc. Nhưng tiền mà tôi kiếm được giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Tôi sẽ cố ở lại càng lâu càng tốt", Xim cho hay.

Theo Ngọc Sơn 
Vnexpress/AP