1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm việc từ xa trở thành xu hướng trong mùa dịch Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến phương thức làm việc từ xa trở thành xu hướng phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên để hoàn thành tốt công việc, điều chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý chí, trách nhiệm của người lao động.

Hiệu quả công việc cao hơn

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nguyễn Trung Hòa trú tại Hà Đông (Hà Nội), cho biết: "Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, công ty tôi cho hơn 50 nhân viên làm việc từ xa thay vì phải đến công ty như trước kia".

Chị Nguyễn Trung Hòa làm quản lý nhân sự cho một công ty chuyên cung cấp thiết bị nội thất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trước đây, khi công ty chưa cho nhân viên làm việc từ xa, mỗi ngày chị phải dành gần 60 phút để đi tới công ty.

Về mặt thuận lợi khi làm việc từ xa, chị Nguyễn Trung Hòa có thể tiết kiệm khoảng 2h/ngày cho việc đi lại. Nhờ đó, chị dành thêm thời gian cho công việc và gia đình.

Làm việc từ xa trở thành xu hướng trong mùa dịch Covid-19 - 1

Thay vì phải đến công ty như trước đây, chị Nguyễn Trung Hòa có thể hoàn thành công việc ngay tại nhà, lại có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Ngoài ra, làm việc tại tư gia khiến cho tâm lý chị Nguyễn Trung Hòa trở nên thoải mái, công việc cũng thêm thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, làm việc tại nhà cũng đem lại cho chị Nguyễn Trung Hòa những mặt hạn chế như: Dễ bị mất tập trung do con quấy khóc, hàng xóm sang chơi hay không thể phân chia rành mạch công việc gia đình với việc cơ quan.

"Công việc của tôi là giám sát và điều hành nhân viên chăm sóc khách hàng bằng hình thức online. Tuy nhiên, công việc đôi khi cũng bị sao nhãng bởi việc gia đình" - chị Nguyễn Trung Hòa tâm sự.

Cũng đang làm việc từ xa từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, anh Phạm Văn Huy trú tại Thanh Xuân (Hà Nội), nhân viên một công ty cung cấp phụ tùng ô tô, chia sẻ: "Trước đây tôi phải có mặt tại công ty lúc 8h rồi lên đơn hàng cho các gara ô tô qua điện thoại. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, công ty chuyển qua làm việc theo hình thức từ xa".

Thay vì làm việc 8h/ngày tại trụ sở như trước đây, lãnh đạo công ty đã giao khoán địa bàn và khối lượng công việc cho từng nhân viên. Nhân viên không phải đến công ty làm việc hàng ngày nữa mà làm việc trên máy tính và qua điện thoại di động.

Theo anh Phạm Văn Huy, cách làm việc này đã hạn chế việc đùn đẩy nhau như trước đây: Cảnh "cha chung không ai khóc" khiến nhiều đơn hàng bị bỏ lỡ, đến khi có phản ánh của khách hàng mới dò xét lại khiến hiệu quả làm việc không cao.

Làm việc từ xa trở thành xu hướng trong mùa dịch Covid-19 - 2

Bên cạnh những hiệu quả công việc đạt được, theo anh Phạm Văn Huy thì làm việc từ xa cũng có không ít những khó khăn. 

Việc chuyển đổi phương thức làm việc, không chỉ khiến công việc của anh thuận lợi hơn mà hiệu quả mà công việc của cả phòng cũng trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, với anh Phạm Văn Huy, làm việc theo hình thức này dẫn đến tình trạng thời gian làm việc và nghỉ ngơi bị xáo trộn.

"Nhiều lúc bản thân tôi cảm thấy thiếu động lực làm việc, khiến công việc bị dồn lại rất nhiều. Nhưng công việc đã được giao khoán nên có khi tôi phải thức cả đêm để làm" - anh Phạm Văn Huy tâm sự.

Xu hướng của tương lai

Trao đổi về vấn đề này, theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ở nhiều nước trên thế giới cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống là đến cơ quan hàng ngày và đúng giờ.

Thay vào đó, người lao động có thể chủ động làm việc ở nhiều nơi khác nhau qua các thiết bị điện tử kết nối internet.

Làm việc từ xa đã và đang trở thành xu hướng của nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam kể từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Dịch Covid-19 khiến xu hướng làm việc này có những bước tiến nhanh hơn ở Việt Nam và sẽ phát triển ở tương lai.

Ông Phạm Minh Huân cho biết: "Hình thức làm việc nào cũng có những ưu và nhược điểm. Vì thế rất khó kết luận rằng, làm việc ở nhà hay tại văn phòng tốt hơn. Việc hoàn thành tốt công việc chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý chí và trách nhiệm của người lao động".

Để làm việc hiệu quả theo phương thức từ xa, theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, người lao động cần có tính tự giác, phấn đấu trong công việc, không ngừng trau dồi kiến thức, nhất là về công nghệ và tự rèn luyện bản thân theo khuôn khổ phù hợp với công việc.

Bên cạnh đó, người lao động cần chủ động hơn trong công việc, cùng với doanh nghiệp có những thỏa thuận cụ thể về khối lượng công việc, thời gian làm việc và tiền lương sao cho phù hợp tránh việc xảy ra mâu thuẫn trong quan hệ lao động.