Quảng Nam:
Kỹ sư điện bắt nấm bào ngư tím mọc quanh năm bất chấp thời tiết
(Dân trí) - Nắm bắt công nghệ, anh kỹ sư điện ở Quảng Nam bỏ phố về quê thành công với trại nấm bào ngư tím cho thu hoạch quanh năm, bất chấp thời tiết miền Trung khắc nghiệt với nông sản này.
Làm chủ công nghệ
Tốt nghiệp ngành cơ điện tử, có công việc kỹ sư điện ổn định tại TP Đà Nẵng, nhưng anh Nguyễn Sư Dũng (34 tuổi, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lại chuyển hướng về quê để trồng nấm.
"Đó không phải liều lĩnh hay bộc phát, mà tôi đã ấp ủ từ lâu, thời cơ đến nên triển khai thôi", anh Dũng chia sẻ về quyết định "bỏ phố về quê" của mình.
Đầu năm 2017, anh bắt tay vào đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trồng nấm bào ngư tím rộng 600m². Khoản đầu tư 400 triệu đồng do anh tích góp lâu nay cùng với nguồn vay mượn từ gia đình, người thân.
Anh tìm đến một trung tâm sản xuất nấm có tiếng ở Đà Nẵng để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất nấm, vừa học hỏi, đúc kết kinh nghiệm sản xuất từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể tạo điều kiện cho những người có mong muốn khởi nghiệp tại quê nhà như anh được bổ sung thêm kiến thức, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm ở các mô hình hay, hiệu quả.
Ban đầu, anh Dũng tiếp nhận meo (hạt giống) nấm từ cơ sở có uy tín rồi tự sản xuất nguyên liệu để cấy phôi nấm. Anh còn cải tiến các loại máy tạo ẩm, hấp thanh trùng phục vụ sản xuất khép kín.
Anh lựa chọn phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn sạch từ nguyên liệu đến môi trường và quy trình để cho ra những tai nấm đạt chuẩn.
Dây chuyền công nghệ sản xuất của anh Dũng có hệ thống cải tạo nhiệt độ, phòng kín, có quạt đối lưu, còn được gọi là hệ thống cải tạo tự nhiên, khá phù hợp với các cơ sở sản xuất nấm ở miền Trung, nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
"Việc nuôi trồng nấm như vậy giúp đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, tránh thiệt hại do thời tiết bất lợi, ngăn cản côn trùng từ bên ngoài xâm nhập… Tôi phải vừa làm vừa cải tạo dần cho phù hợp, mất 4 năm mới hoàn thiện như hiện nay", anh Dũng cho hay.
Cung ứng nấm quanh năm
Tự mày mò học hỏi, anh Nguyễn Sư Dũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất phôi giống, tự nhân giống bằng các đoạn sợi và meo nấm bào ngư trong môi trường khép kín phục vụ sản xuất ổn định, bền vững.
Năm 2022-2023, anh tiếp tục hoàn thiện nhà xưởng với 4 khu khép kín. Toàn bộ nhà xưởng có hệ thống làm mát, quạt đối lưu giúp nấm có năng suất ổn định, duy trì nhiệt độ phù hợp dù nắng nóng; mùa mưa, nhà xưởng có hệ thống hút ẩm.
Ngoài ra, anh Dũng còn bố trí các khu vực riêng gồm nhà cấy meo nấm giống, khu vực đóng phôi giống, khu vực ươm giống và nhà trồng để thu hoạch. Khu vực làm meo nấm có trang bị nồi áp suất, hệ thống làm mát 24/24h, đảm bảo cho giống phát triển tốt, tránh hư hỏng.
Từ lúc tạo bịch phôi giống đến khi thu hái nấm mất khoảng 45 ngày, trung bình mỗi bịch phôi cho ra 3 lạng nấm. Bình quân mỗi ngày cơ sở của anh Dũng cung ứng ra thị trường tầm 40-50kg nấm tươi, với giá bán dao động 50.000-60.000 đồng/kg tùy thị trường, khu vực.
Để có thể cung ứng nấm tươi mỗi ngày, anh Dũng trồng nấm theo phương pháp "gối đầu" với 4 khu vực cho 4 đợt thu hoạch nối tiếp nhau.
Ngoài ra, cơ sở của anh Dũng còn chuyển giao meo giống hoặc cung cấp phôi nấm. Mỗi năm, cơ sở sản xuất 120.000 phôi nấm.
Theo anh Dũng, nấm bào ngư tím thơm ngon, giàu dinh dưỡng được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm mô hình đem lại cho anh lãi ròng hơn 300 triệu đồng; tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động nông nhàn với thu nhập từ 150.000-180.000 đồng/người/ngày.
"Nghề trồng nấm đòi hỏi tính kiên trì, thực hiện đúng các quy trình công nghệ từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý, đến chăm sóc, thu hái. Tôi sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với bất cứ ai muốn tìm hiểu để làm ăn với mô hình này", anh Dũng nói.
Năm 2020, sản phẩm nấm bào ngư tím của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương) 3 sao tỉnh Quảng Nam. Anh Dũng đang nghiên cứu nuôi trồng nấm linh chi và chế biến thành sản phẩm trà nấm linh chi túi lọc, dự kiến tham gia chương trình OCOP năm 2023.