1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kinh nghiệm "giữ mạng" của thợ nhôm kính hơn 10 năm trèo tường, leo mái nhà

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - "Làm thợ lắp mái kính, ngoài sức khỏe tốt, tay nghề cao thì tính cẩn thận rất quan trọng bởi làm ẩu không có cơ hội làm lại, có thể trả giá bằng tính mạng", anh Dũng, thợ làm nhôm kính chia sẻ.

Mới đây, vụ sập mái kính giếng trời tại tòa nhà 7 tầng khiến 2 thợ tử vong, 2 người khác bị thương tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khiến nhiều người trong nghề cũng giật mình.

Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khi nhóm thợ đang thi công sửa kính giếng giời rộng khoảng 18m2 trên mái tầng 7 của tòa nhà thì kính vỡ. Hai thợ rơi từ tầng cao này xuống đất tử vong. Nhóm thợ đã làm việc tại tòa nhà từ 3 ngày trước khi xảy ra sự cố.

"Làm ẩu là trả giá bằng tính mạng"

Nói về sự việc, anh Đặng Đức Báo, thợ nhôm kính với 10 năm kinh nghiệm tại Hải Phòng nhận định, thông tin về sự việc cho thấy có nhiều biểu hiện chủ quan, những yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn.

Trước hết, mái kính lắp đặt ở vị trí rất cao (tầng 7 của tòa nhà). Việc lựa chọn thợ thi công thiếu kinh nghiệm làm việc trên cao có thể rất rủi ro. Không thấy người quản lý mà chỉ có nhóm thợ thi công ở địa thế như trên, chỉ một thao tác sai kỹ thuật cũng gây tai nạn.

Anh Báo chỉ rõ, với mái kính, khung sắt là bộ phận chịu lực chính cho mái kính, nếu không được thi công đúng kỹ thuật, thiếu phẳng phiu, xuất hiện điểm gồ ghề, sẽ chính là phần tạo lực dội lên kính, dẫn đến tình trạng nứt vỡ.

Một sai sót khác khi thi công dẫn đến tai nạn là thợ lắp đặt kính không đúng cách. Kính cường lực cần được lắp đặt với khoảng cách phù hợp để có thể giãn nở khi nhiệt độ thay đổi. Nếu các tấm kính được xếp quá sát nhau, khoảng cách giữa các cạnh khớp nối quá hẹp, kính sẽ bị ép vỡ khi nhiệt độ tăng cao, giãn nở.

Theo anh Báo, nhiều người lầm tưởng rằng kính cường lực không thể vỡ nên chủ quan, di chuyển, tác động lực lên mặt kính không đúng cách cũng gây vỡ, nổ.

 "Có thể thấy thợ thi công đã chủ quan, lơ là sử dụng biện pháp bảo hộ như đeo dây an toàn nên rơi thẳng xuống dưới khi mái kính vỡ, gãy. Rồi chính suy nghĩ sai rằng kính cường lực "không thể vỡ", người thợ đã chủ quan, đi lại trên mặt kính. Khi gặp điểm gồ ghề trên khung sắt, chính người thợ trở thành nguồn lực lớn tác động lên kính, gây vỡ, dẫn tới tai nạn", anh Báo phân tích.

Kinh nghiệm giữ mạng của thợ nhôm kính hơn 10 năm trèo tường, leo mái nhà - 1

Khi làm việc ở những vị trí cao, người thợ thường chuẩn bị dây bảo hộ, buộc vào các trụ để đu người xuống tầng dưới làm việc (Ảnh: Nam Thái).

Anh Nguyễn Văn Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội), thợ nhôm kính với gần 15 năm kinh nghiệm, chia sẻ quá trình làm việc, tai nạn vẫn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, đặc biệt khi thi công ở vị trí cao.

"Tai nạn thương tâm của các đồng nghiệp khiến tôi vô cùng xót xa. Nhiều năm trong nghề, tôi ít chứng kiến thợ làm mái kính gặp tai nạn mất mạng như vậy. Thường thì ai đi làm cũng có dây bảo hộ, nếu có ngã từ trên cao xuống vẫn có thể giữ được mạng", anh Dũng cho biết.

Theo anh Dũng, những tai nạn thường gặp trong nghề nhôm kính là khi thợ di chuyển trên khung sắt, bước hụt chân hoặc ngã do khung sắt trơn trượt. Bên cạnh đó, tấm kính bất ngờ bị vỡ cũng có thể gây nguy hiểm. Trường hợp đặc biệt nguy hiểm là điện giật trong lúc thi công khung sắt.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động trong nghề này thường xuất phát từ sự chủ quan của người thợ. Nhiều người làm việc ở những vị trí cao nhưng không sử dụng đồ bảo hộ, dây an toàn. Có trường hợp tai nạn do làm việc ẩu, vội vàng vì bị áp lực tiến độ.

"Hiện nay, các công trình thi công chủ yếu khoán cho chủ thầu, áp lực tiến độ thi công lên vai người thợ cũng nhiều hơn. Khi phải chịu sức ép về tiến độ, thời gian thi công, người thợ sẽ quên hoặc bỏ qua nhiều quy trình bảo hộ lao động, dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra", anh Dũng chia sẻ.

Mức thu nhập cao và ổn định là lý do nhiều người lựa chọn nghề nhôm kính. Tuy nhiên, đi kèm với mức thu nhập hấp dẫn là những nguy hiểm rình rập. 

"Nghề làm nhôm kính chúng tôi, công của thợ phụ khoảng 400.000 đồng/ngày, thợ chính 600.000 đồng/ngày. Hiện nay, các công trình đều khoán theo giờ, theo ngày, nhờ đó thợ lắp mái kính có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày làm việc.

Khi nhận làm khoán, anh em thợ ai cũng cố làm thật nhanh để kịp tiến độ và kiếm nhiều tiền, song làm nhanh dễ kéo theo làm ẩu, nguy cơ xảy ra tai nạn", anh Dũng cho biết.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, anh Dũng luôn nhắc nhở anh em thợ làm việc cẩn thận, không vội vàng, không làm ẩu. Anh Dũng quả quyết, nếu làm chưa xong có thể làm thêm giờ, vừa an toàn lại có thêm tiền tăng ca.

Bí quyết giữ mạng 

Anh Dũng chia sẻ, điều tiên quyết để đảm bảo an toàn khi thi công trên cao là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ lao động.

"Trước khi bắt đầu thi công, đặc biệt ở những vị trí trên cao, tôi luôn nhắc nhở anh em thợ phải trang bị dây an toàn đầy đủ. Đây là vật dụng quan trọng bảo vệ tính mạng của bản thân", anh Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh sử dụng đồ bảo hộ, việc lựa chọn loại kính phù hợp cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Đối với các công trình lớn, kính cường lực dán là lựa chọn tối ưu cho mái kính bởi khả năng hạn chế tối đa độ nguy hiểm khi vỡ.

"Loại kính này khi vỡ vẫn có lớp keo giữ lại các mảnh vỡ, khác với kính cường lực thường vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ và rơi xuống dưới, gây nguy hiểm cho người thi công", anh Dũng giải thích.

Kinh nghiệm giữ mạng của thợ nhôm kính hơn 10 năm trèo tường, leo mái nhà - 2

Theo anh Dũng, mỗi khi làm việc trên cao, sợi dây chính là vật bất ly thân với người thợ lắp mái kính (Ảnh: Nam Thái).

Vụ tai nạn thương tâm vừa qua là lời cảnh tỉnh cho thấy sự thiếu an toàn trong thi công không chỉ xuất phát từ người thợ mà còn là trách nhiệm của nhiều bên liên quan, bao gồm chủ nhà và người giám sát.

"Để đảm bảo an toàn cho thợ thi công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ thầu, giám sát và chủ nhà", anh Dũng khẳng định.

Theo anh Dũng, chủ thầu có trách nhiệm cung cấp đầy đủ trang bị bảo hộ cho thợ và có biện pháp thi công an toàn. Giám sát công trình cần kiểm tra và nhắc nhở thợ tuân thủ quy định bảo hộ, đồng thời yêu cầu thợ dừng thi công nếu phát hiện vi phạm. Chủ nhà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát tiến độ thi công, đảm bảo thợ thi công không làm việc vội vàng, ảnh hưởng đến an toàn.

"Nếu các bên cùng phối hợp, làm đúng và làm hết trách nhiệm thì những vụ tai nạn thương tâm như vậy khó có thể xảy ra", anh Dũng nói.

Trải nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Dũng cho biết, tai nạn lao động thường xảy ra ở những công trình nhỏ lẻ như sửa chữa nhà dân, nơi quy trình an toàn lao động không được thực hiện chặt chẽ.

Nam chủ thầu cho biết, ở các công trình lớn, quy trình an toàn lao động được kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Thợ để đồ đạc bừa bãi gây mất an toàn cũng bị nhắc nhở ngay. Khi thi công trên cao, thợ không tuân thủ quy định bảo hộ lao động sẽ bị chụp ảnh, báo cáo ban quản lý xử lý. 

Là chủ thầu thi công, anh Dũng cho rằng, việc lựa chọn thợ phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn cho công trình.

"Tiêu chí đầu tiên tôi chọn thợ phải là người có sức khỏe tốt và không sợ độ cao, thứ hai là người cẩn thận và cuối cùng mới đến tay nghề. Làm nghề này mà ẩu đoảng thì không có cơ hội làm lại, có thể trả giá bằng tính mạng", anh Dũng chiêm nghiệm.