Kiếm sống dưới đáy sông
Đáy sông là nơi người ta bỏ mọi thứ trên đời, nhưng với anh em nhà Tám Hòa thì có vô khối những thứ mà họ có thể mang lên và qui đổi ra tiền…
Ba người con của ông Tám Hòa là Tư Lý, Năm Long, Út Tòng, tuổi ngoài đôi mươi, miệng ngậm ống hơi thả ngửa mình tự do xuống sông. Tôi cũng ngậm ống hơi, đeo băng chì rồi lần dây mồi xuống theo... Càng xuống sâu nước càng lạnh, ép tai, nghe lùng bùng. Năm Long bắt đầu vác neo khum người đi theo dòng nước. Tôi lọ mọ theo sau, thấy hơi rờn rợn người...
Đi cùng “thủy giới”
Cả nhóm chúng tôi đi vào vùng cồn cát, cảm giác thật lạ cứ như những đồi cát trong sa mạc với dốc thoai thoải cùng vô số cây vụn, lưới cá, súc gỗ như mọc lên từ đụn cát chằng chịt từng rặng.
Vừa qua khỏi đụn cát, chân tôi trơn tuột như giẫm phải mỡ. Tôi cố bám chân vào đáy, tưởng giẫm trên đất nhưng không phải, chỉ là đoạn lòng sông đang bị nước đục khoét bào mòn, lộ ra những phế liệu.
Theo kinh nghiệm của những thợ lặn thì đi trên những đoạn nước quặn dòng như thế này mới có của chìm của rơi mà trục vớt. Cứ thế chúng tôi thả mình đi như kẻ mù nhặt ve chai trên bờ, hết dò dẫm những lối mòn dòng chảy lại lên vùng cát đùn.
Thỉnh thoảng chân lại chạm vào một vật cứng không tên đang lộ dần. Chẳng bao lâu tôi đã cảm thấy đuối sức và liền ra hiệu cho Năm Long trồi lên…
Lên đến ghe, tôi thở hổn hển, Tám Hòa cười khanh khách: “Mới có mười phút hà ông ơi, cũng chỉ lọ mọ trong bùn được trăm mét chớ là bao? Tụi tui có ngày đi bách bộ dưới đó cả cây số, một hai giờ đồng hồ là chuyện thường…”.
Chuyến đi cùng thủy giới của tôi không “thu hoạch” được gì nhiều: một tút đạn cũ, một súc gỗ tròn và ba con cá chạch lẩn trốn trong những hốc đá dưới lòng sông.
Hôm sau, tôi lại theo Tám Hòa đến khu vực bãi pháo ở Trường Thịnh, Thanh Hà ( Mỏ Cày), Dòng Xài, Phước Long, Cồn Lá (Giồng Trôm).
Nơi đây thời chiến tranh là khu vực pháo binh đóng quân nên phế liệu chiến tranh nhiều vô kể, tút đạn, vỏ pháo, trái lép… Hơn chục năm nhiều người đã mò vớt nơi này nhưng vẫn chưa hết.
Hồi trước, có ngày nhóm thợ lặn nhà Tám Hòa kéo lên được cả tấn vỏ đạn 20 ly, 37 ly bán trên chục triệu đồng. Thời đó mỗi tháng Tám Hòa chỉ lặn hai lần mỗi ngày vào các ngày nước kém mồng 9, 10, 11 nhưng thu nhập đủ để chi tiêu cho gia đình.
Nhưng rồi biết tin có nhiều phế liệu, hằng ngày trên sông Hàm Luông đoạn từ Chợ Lách ra cửa biển, có tới 40 ghe tàu lớn nhỏ của dân chài từ thượng nguồn An Phú (An Giang) đổ xuống trục vớt. Hàng núi vỏ pháo, tút đạn và cả xương người, mảnh vỡ xác tàu nơi đáy sông được trục vớt, khai thác.
Nhọc nhằn mưu sinh dưới đáy sông
Những ngày ở xóm thợ lặn Thanh Sơn - Mỏ Cày, Bến Tre mà dân ở đây quen gọi là xóm “người nhái”, tôi biết đời thợ lặn miệt sông nước miền Tây được trời phú cho họ có được lá phổi to lớn, những mạch máu dẻo dai và thân thể cường tráng, đặc biệt là đôi mắt tinh tường có thể nhìn xuyên qua làn nước đục dưới lòng sông, nhưng cuộc sống của họ luôn bấp bênh như dòng nước lên xuống.
Hôm ở nhà Tám Hòa, tôi được nghe nhiều câu chuyện thương tâm sống chết với nghề. Cái sống cái chết chỉ trong tích tắc trong một vài mét nước.
Một lần toán thợ lặn trong xóm Thanh Sơn nhận trục vớt thuê một chiếc ghe dưới vực sâu ở búng vàm Thái Lộc trên sông Hàm Luông, nơi sâu nhất khu vực ĐBSCL, khoảng 50m.
Ông Thanh - một thợ lặn lão làng trong xóm - tình nguyện lặn xuống trước, nhưng chỉ mới hơn 20m đã phải ngoi lên bất tỉnh, nước ép đến quéo tay quéo chân, da sủi bọt nước.
Tại bệnh viện bác sĩ phải châm cứu hai tháng mới cứu được mạng. Giờ thì ông Thanh bại chân, mất sức lao động, đời sống khó khăn lắm.
Lần khác cũng vì sinh nhai mà một thợ lặn đã phải bỏ mạng. Đó là lần chiếc ghe chài 3.000 tấn chở đầy phân NPK bị đứt cáp chìm bên bờ thị xã Bến Tre.
Thợ lặn Phan Văn Đặng, 30 tuổi, lặn xuống hầm tàu móc bao phân lên nhưng khi trồi lên đã bị lạc dây mồi nên mất lối trong hầm tàu, một nhóm thợ lặn khác xuống tiếp cứu nhưng đã muộn, khi vớt được xác Đặng thì người đã tím tái vô hồn.
Mấy ngày chúng tôi ở Thanh Sơn, mới được Tám Hòa bộc lộ... tính chuyên nghiệp của mình: “Tui dám chắc với ông là bọn tui rành đáy sông này còn hơn cả những chuyên gia địa chất, thủy văn. Mấy ổng có thiết bị, có bản đồ, có số liệu thủy triều nhưng ít xuống dưới, mà dòng sông này thay đổi từng ngày”.
Tám Hòa bảo nhiều lần “lang thang ở dưới” ông phát hiện cả những cồn cát vàng, cát đen di động mà theo ông trữ lượng rất lớn.
Nói tới đâu, Tám Hòa cầm que đũa vẽ sơ đồ mô phỏng đáy sông nơi nào có mỏ cát, mỏ đất sét: “Đây, như đoạn Cả Nứa Châu Thành, dòng sông đang cuộn cát, bồi lắng hình thành cả một mỏ cát chìm rộng cả trăm mét, dài hơn 2km.
Tiền không à nghen, tôi đã từng đề nghị mấy ông chính quyền cho dân bơm cát chuyên nghiệp vào khai thác, tính thuế vừa có quĩ xóa đói giảm nghèo, vừa đỡ tiền nạo vét lòng sông. Vậy mà không ai tìm hiểu, tiếc đứt ruột!”.
Ba Nghĩa, người con trai thứ của Tám Hòa, cho biết xóm lặn Thanh Sơn giờ đìu hiu lắm, những “rái cá”, “chó biển”… nay tứ tán trên bờ do thất nghiệp, chỉ có gia đình anh còn bám trụ với nghề lặn vì năm nào bên quân đội cũng hợp đồng với gia đình anh đi lặn rà mìn, rà bom ở khu vực sông Bé, Hiệp Phước, Nhà Bè.
Ngoài ra các công ty ở thành phố vì nghe tiếng cũng về thuê thợ lặn ở Thanh Sơn dọn dẹp lòng sông, nhổ trụ cầu, di dời bêtông, vật cản nặng hàng chục tấn. “Mà các công ty cũng chỉ thuê chúng tôi làm phần khó ăn như soi bắn nước, nhổ trụ cầu bêtông bám sâu dưới lòng sông...”.
Tôi hỏi: “Chắc cũng kiếm bộn hả?” Ba Nghĩa lắc đầu: “Giá thuê trục vớt rẻ rề hà anh ơi, chỉ có 40.000 đồng/m trụ bêtông, phương tiện máy móc là của chủ thuê, nếu anh em nhà tôi có phương tiện thì sẽ được hưởng 80.000 đồng/m trụ.
Sắp tới Công ty Hùng Vương - một công ty chuyên rà mìn, trục vớt ở TP.HCM - sẽ hợp đồng rà mìn lòng sông Soài Rạp (ở Vàm Láng, Nhà Bè). Ba Nghĩa chặc lưỡi: “Nếu có vốn hoặc được chính quyền đứng ra bảo lãnh thành lập doanh nghiệp hay hội nghề lặn, đầu tư phương tiện sản xuất thì cả xóm sống được chứ không riêng gì anh em chúng tôi đâu”.
Trên bờ có “thần đèn” dời nhà thì dưới sông cũng có “thần đèn” dời trụ cầu sắt, vật cản phế thải, vậy mà… - Ba Nghĩa phân trần…
Đang lúc nói chuyên với Ba Nghĩa thì trong nhà có tiếng máy bộ đàm khọt khẹt vang lên. Thì ra cha con Tám Hòa đã sắm máy bộ đàm để dò tin xem có ai báo tin ghe tàu chìm trên biển. “Tám Hòa hả… tàu đang ở tọa độ,… kinh độ…”.
Tiếng máy bộ đàm trong nhà vẫn vang lên đứt quãng. Nghe bộ đàm xong, Tám Hòa vẫn hào hứng với những câu chuyện từ đáy biển.
Theo Quang Vinh
Tuổi Trẻ