1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Khủng hoảng thiếu nhân lực hàng không kỹ thuật cao

Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 1.320 phi công thương mại.

Cơ trưởng máy bay Boeing của Vietnam Airlines
Cơ trưởng máy bay Boeing của Vietnam Airlines

Với tốc độ phát triển 2 con số của ngành Hàng không cũng như kế hoạch đầu tư lớn đội tàu bay của các hãng, nhu cầu nhân lực hàng không kỹ thuật cao, nhất là đội ngũ phi công đang tăng nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 1.320 phi công thương mại.

Cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành

Khẳng định ngành Hàng không dân dụng đang phát triển với tốc độ rất nhanh, thậm chí một số hãng có biểu hiện phát triển nóng, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết thêm đã xảy ra việc cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành Hàng không. Các doanh nghiệp đều muốn phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị nguồn lực và nhân lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay.

Với đội ngũ phi công, ông Thanh cho biết, lực lượng này được đào tạo tại các cơ sở đào tạo phi công của nước ngoài (được Cục Hàng không VN) phê chuẩn theo hình thức xã hội hóa (cá nhân tự túc kinh phí, người sử dụng lao động cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp và đạt các tiêu chuẩn).

"Số phi công trên còn chưa tính đến nhu cầu huấn luyện chuyển loại từ lái phụ lên lái chính và chuyển loại lên lái phụ cho số học viên được đào tạo cơ bản đối với các loại tàu bay A330, A321, A320, B787 và A350 cho các hãng với khoảng 170 - 200 lượt mỗi năm” - Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN

Được biết, Tổng công ty Hàng không VN - CTCP (Vietnam Airlines) đã áp dụng chính sách xã hội hóa về đào tạo phi công cơ bản theo phương thức các học viên tự túc chi phí đào tạo, ký cam kết tuyển dụng sau đào tạo và có chính sách cụ thể khuyến khích thu hút nhân tài. Thống kê cho thấy, lực lượng phi công là người Việt Nam của Vietnam Airlines đã tăng từ 49% năm 2012 lên xấp xỉ 68% năm 2016.

Tương tự, Vietjet Air và Jetstar Pacific cũng đang thực hiện xã hội hóa đào tạo phi công tại New Zealand, Anh, Australia, Pháp. Tỷ lệ phi công là người Việt Nam của Vietjet Air hiện là 18% so với con số 12% của năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ này của Jetstar Pacific là 15% năm 2016 và 10% năm 2014.

Căn cứ theo kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không, theo Cục Hàng không VN, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại. Điều này cũng có nghĩa là cần bổ sung khoảng 1.320 người (đã tính cả bù đắp cho số giảm cơ học như sức khỏe, nghỉ hưu…). Mỗi năm, cả ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific cần khoảng 200 - 250 người.

Đối với lực lượng nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, dự kiến, mỗi năm sẽ cần đào tạo ban đầu để bổ sung lực lượng kỹ thuật tàu bay bao gồm cả kỹ sư máy bay và thợ kỹ thuật máy bay khoảng 150 - 200 người.

Công khai thu nhập để “hút” nhân tài

Đây là một trong những vấn đề được người đứng đầu Cục Hàng không VN - Cục trưởng Lại Xuân Thanh nhấn mạnh khi đề cập đến một số giải pháp chủ yếu để phát triển, đào tạo nguồn nhân lực hàng không. Cụ thể, ông Thanh cho rằng, cần công khai nhu cầu nguồn nhân lực hàng không, thu nhập dự kiến của các nghề hàng không như: Phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật tàu bay, kiểm soát viên không lưu nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, thu hút đầu vào chất lượng cao.

Những giải pháp khác được ông Thanh đặc biệt lưu ý là việc đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của Học viện Hàng không VN, nhất là hệ thống cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, giáo viên, gắn đào tạo với việc làm và đồng hành cùng doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực…

Cùng đó, ông Thanh cũng cho rằng, cần đẩy nhanh việc thiết lập cơ sở đào tạo phi công cơ bản hoàn chỉnh tại Việt Nam để chủ động đáp ứng nhu cầu về phi công cho các hãng hàng không, trước mắt là Trung tâm Đào tạo phi công cơ bản của CTCP Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC) tại CHK Chu Lai; Tiếp tục củng cố các cơ sở đào tạo đã được Cục Hàng không VN cấp giấy chứng nhận đảm bảo duy trì và nâng cao năng lực đào tạo, huấn luyện chuyên ngành hẹp, chuyên sâu phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh của DN, đáp ứng yêu cầu khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không đảm bảo an ninh, an toàn.

Theo Thanh Bình/Báo Giao thông