Không trả sổ bảo hiểm, công ty phải bồi thường như thế nào?
Cuối tháng 3/2013, tôi có xin nghỉ việc tại Công ty cổ phần. Sau khi tôi nghỉ đến nay công ty vẫn chưa trả sổ bảo hiểm xã hội cho tôi. Vậy công ty đã phạm điều luật gì? Tôi có được công ty bồi thường cho tôi không?
Ảnh minh họa
Vì sau khi nghỉ tôi không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp vì không có sổ BHXH. Tôi làm ở công ty đó từ 6/2006 và công ty đã đóng bảo hiểm cho tôi được khoảng 5 năm.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Trách nhiệm trả Sổ BHXH
Điều 15 Khoản 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định người lao động có quyền nhận sổ bảo hiểm khi không còn làm việc. Điều 18 Khoản 1 Điểm c Luật BHXH 2006 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc.
Bên cạnh đó Điều 136 Khoản 2 Luật BHXH 2006 cũng quy định việc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật BHXH là hành vi vi phạm pháp luật về thủ tục BHXH.
Căn cứ khoản 4, Điều 7 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH quy định các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 14 Luật BHXH như gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bao gồm: - Cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm việc đóng, hưởng các chế độ BHXH của người lao động; - Không cấp sổ BHXH hoặc không trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định.
Theo điều 47 Bộ luật Lao Động 2012: 2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Thứ hai: Quyền khiếu nại của người lao động
Khi quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động bị ảnh hưởng do hành vi của người sử dụng lao động, người lao động có quyền khiếu nại theo quy định của Điều 130 Khoản 1 Luật BHXH 2006: “1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định (không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý theo Điều 28 Luật Khiếu nại) mà khiếu nại không được giải quyết, bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội/Vietnamnet.vn