1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Không để sinh viên nghỉ học vì không có tiền học phí

Việc tăng học phí vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết để có thể đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Tuy nhiên, với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết các trường ĐH khi được hỏi đều khẳng định có phương án để tránh tác động đến việc học của các em.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP từ ngày 1/12/2015, mức trần học phí đại học sẽ tăng 10%. Học phí tăng sẽ góp phần bù đắp vào chi phí đào tạo của trường. Tuy nhiên, Nghị định 86/2015/NĐ tác động và các trường sẽ sử dụng khoản phí này như thế nào cho phù hợp là một vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là phụ huynh và sinh viên.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn TPHCM xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV TPHCM cho rằng việc tăng 10% học phí là tín hiệu tích cực: “Tôi nghĩ việc tăng 10% học phí về phương diện nhà trường là rất tốt vì điều đó sẽ giúp tăng cường nguồn lực, tăng thêm mức phí giảng dạy cho giảng viên và trang thiết bị của trường.

Còn đối với những sinh viên khó khăn thì nhà trường hiện nay đã có nhiều quỹ học bổng để hỗ trợ cho các em. Mỗi năm trường có từ 200-300 suất học bổng như thế để hỗ trợ các em ở các ngành, các khoa khác nhau. Trường hợp sinh viên khó khăn đến mức không thể đi học là hoàn toàn không có”.

Đến thời điểm hiện tại các trường vẫn thu học phí theo mức cũ. Theo TS. Kim Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II, phía nhà trường chưa nhận được bất cứ thông báo, hướng dẫn nào từ cơ quan chủ quản, Đài Tiếng nói Việt Nam, về việc tăng học phí và trường vẫn thu theo mức học phí cũ.

Nói về việc tăng 10% học phí, thầy Kim Ngọc Anh cho biết sẽ sử dụng khoản thu này vào việc trang bị thiết bị cơ sở vật chất: “Tôi nghĩ tăng 10% học phí cũng là kỳ vọng chung, sẽ phục vụ lại cho nâng cao công tác giáo dục, phục vụ lại chính học sinh,sinh viên.

Cụ thể nếu nguồn thu này có được, nhà trường sẽ tận dụng vào quỹ phát triển sự nghiệp, trang bị thêm thiết bị thực hành, bàn ghế, trang bị phòng ốc để sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn và hỗ trợ thêm cho giảng viên để thầy cô yên tâm cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục”.

TS. Kim Ngọc Anh cho hay, dù có tăng thêm 10% trường vẫn sẽ luôn đồng hành cùng sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn: “Trong thời gian qua, trường đã thực hiện rất tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ sinh viên, không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí.

Nhà trường cùng với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập quỹ hỗ trợ sinh viên khó khăn và trường cũng vận động nhiều nguồn từ các nhà hảo tâm để giúp đỡ các sinh viên khó khăn. Ngay trong khai giảng vừa qua, trường cũng trao các suất học bổng cho các em, trong đó có cả sinh viên năm thứ nhất mới vào trường".

Từ năm 2009, Đại học Tài chính-Marketing đã được Bộ Tài chính giao quyền tự chủ về chi thường xuyên. Đến tháng 3/2015 tại Quyết định số 378, Thủ tướng Chính phủ cho phép trường thí điểm tự chủ toàn diện đến năm 2017.

Theo ThS. Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Đại học Tài chính-Marketing: “Nghị định 86 là cơ hội để trường chủ động hơn trong cơ chế tự chủ. Đây cũng chính là cơ hội để trường mạnh dạn xây dựng kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết hoạt động đào tạo với nhu cầu xã hội, chủ động đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dưng cơ sở vật chất. Với mức học phí tăng 10%, trường đã xây dựng phương án sử dụng với những nội dung như đầu tư xây dựng giáo trình; giáo án tiên tiến, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng phòng thực hành thực tập...

Chênh lệch giữa chi và thu sẽ dùng để tăng quỹ hoạt động sự nghiệp nhằm tăng tích lũy đầu tư cơ sở vật chất. Đối với những sinh viên khó khăn, nhà trường đã thành lập quỹ hỗ trợ khó khăn trích từ tiền lãi gửi ngân hàng thương mại để không sinh viên nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí”.

Ông Hứa Minh Tuấn nhận định, Nghị định 86 là xu hướng tất yếu để qua đó các trường có thể chủ động hơn trong nhiều hoạt động mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi ngân sách, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa giáo dục.

Là một giảng viên và có nhiều trăn trở với thực tế lương giảng viên đại học còn thấp, nhiều người phải đi làm thêm ngoài giờ, chị Trần Thị Tuyết, giảng viên Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II bày tỏ về việc tăng 10% học phí: “Tăng học phí hy vọng sẽ có thêm phần cải thiện đời sống giáo viên, giúp họ yên tâm giảng dạy mà không phải lo làm thêm công việc khác để tăng thu nhập mưu sinh.

Điều này cũng hạn chế chảy máu chất xám ở ngành giáo dục khi mà nhiều giáo viên tài giỏi không thể trụ vững lâu với nghề. Ở các thành phố lớn mức sống cao, lương không tăng, cuộc sống của giáo viên rất chật vật. Trong bối cảnh toàn xã hội đang yêu cầu chất lượng giáo dục phải tăng, đó là  nghịch lý. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo tăng học phí là việc cần thiết hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục xét về lâu dài”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các trường đều thấu hiểu khó khăn của sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi học phí tăng và luôn tạo điều kiện để không một sinh viên nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Tăng học phí để góp phần cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục nhưng vẫn đảm bảo cơ hội học tập cho sinh viên nghèo là điều rất cần thiết.

Theo chinhphu.vn