Khởi nghiệp: Đừng quá áp lực với kế hoạch kinh doanh

Theo Brian Hamilton - Chủ tịch, đồng sáng lập của Công ty thông tin tài chính Sageworks, những kế hoạch kinh doanh được vạch ra từ trước vốn dĩ không giúp ích nhiều cho các nhà khởi nghiệp.

Khởi nghiệp: Đừng quá áp lực với kế hoạch kinh doanh

Bỏ qua những lý thuyết thông thường và dựa theo kinh nghiệm của mình, Brian Hamilton cho rằng, những kế hoạch kinh doanh thường chỉ đơn thuần cho mọi người thấy bạn thực sự nghiêm túc với công ty hoặc dự án này. Còn ngoài ra thì nó không được hữu dụng lắm.

Lý do? Theo Brian Hamilton là:

Nhà khởi nghiệp chưa có đủ dữ liệu cần thiết để lên kế hoạch

Giữa giai đoạn bắt đầu và kết thúc một chặng đường kinh doanh có sự khác biệt rất lớn. Lúc khởi nghiệp, bạn phải bắt tay vào thực hiện hầu như tất cả mọi thứ cho công ty hoặc dự án mới của mình, từ sản phẩm, giá cả, tiếp thị, phân phối… Sự thích nghi linh hoạt với thời thế sẽ khiến cho những tính toán ban đầu của bạn nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Lấy ví dụ đơn giản về việc kinh doanh một quầy hàng bán nước chanh. Dĩ nhiên chúng ta sẽ cần có chanh, đường, cốc và một chiếc bàn. Và chúng ta hoàn toàn có thể lên kế hoạch tài chính cho chi phí các nguyên liệu này. Nhưng còn về giá bán nước chanh? Vị trí đặt quầy hàng? Những chiến lược tiếp thị? Những yếu tố này có thể (và chắc chắn) sẽ phải thay đổi hàng ngày, ít nhất là cho đến khi bạn tìm ra được phương thức tối ưu nhất.

Một kế hoạch kinh doanh thật ra có thể gây cản trở, áp đặt các giới hạn không cần thiết và thay thế cho sự sáng tạo đối với những nhà khởi nghiệp.

Cũng đối với ví dụ trên, giả sử như việc kinh doanh quầy hàng nước chanh đã trải qua thời gian khoảng 3 năm rồi. Lúc đó, chủ quầy hàng dĩ nhiên đã biết rõ về giá cả hợp lý của một ly nước chanh, vị trí tốt nhất để đặt quầy, kiểu nhân viên phù hợp nhất để thuê…

Việc lên kế hoạch cho một cửa hàng chính thức có thể là một ý tưởng tốt, bởi vì phạm vi của những thay đổi trong công việc kinh doanh hiện tại là rất nhỏ (so với phạm vi thay đổi của những dự án kinh doanh mới mẻ). Lúc này, người chủ doanh nghiệp có thể lên kế hoạch dựa trên những dữ liệu đã được thu thập đầy đủ trong thời gian kinh doanh khá dài trước đó.

Tài chính là vấn đề “đau đầu” nhất

Khía cạnh tài chính trong kế hoạch kinh doanh hầu như luôn là vấn đề khó khăn nhất ở giai đoạn đầu. Brian Hamilton chia sẻ kinh nghiệm về khoảng thời gian cách đây vài năm, Sageworks đã xây dựng mô hình tài chính dự đoán doanh thu khổng lồ cho công ty trong 5 năm tới, bất chấp việc lúc đó họ chưa có bất kỳ thu nhập nào.

Và sự thật là, Brian Hamilton cùng với các đồng nghiệp của mình đã phải mất khoảng 5 năm mới có thể bắt đầu tạo ra thu nhập bền vững cho Sageworks. Đây là một sai lầm phổ biến mà rất nhiều nhà khởi nghiệp dễ mắc phải khi bắt đầu kinh doanh.

Brian công nhận rằng đây chỉ là ý kiến chủ quan, nhưng ông tin những doanh nhân giàu kinh nghiệm sẽ đồng ý với ông rằng, mô hình tài chính đã được vạch ra sẵn ngay từ đầu rất dễ dẫn bạn đi đến những quyết định sai lầm.

Bạn kinh doanh lĩnh vực, ngành nghề nào?

Cần phải lưu ý rằng, khi quyết định có nên vạch ra kế hoạch sẵn hay không, một căn cứ quan trọng không thể bỏ qua chính là lĩnh vực kinh doanh của nhà khởi nghiệp.

Trước khi tốt nghiệp, Brian Hamilton đã từng kinh doanh dịch vụ dọn rửa bằng máy áp suất (dùng máy rửa áp suất để loại bỏ bùn, nấm mốc, bụi bẩn ra khỏi bề mặt bê tông, nhà cửa, xe cộ…). Do tính chất của ngành nghề này, trước khi bắt đầu, ông có thể dự đoán trước chi phí và doanh thu chính xác hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Vì vậy, việc lên sẵn kế hoạch kinh doanh có thể hữu ích trong trường hợp này.

Brian Hamilton cho rằng, trường đại học thường tập trung quá nhiều vào việc dạy các doanh nhân tương lai cách lên kế hoạch kinh doanh, trong khi điều quan trọng hơn là dạy họ cách suy nghĩ, cách sàng lọc ý tưởng, áp dụng các ý tưởng tốt và mạnh dạn loại bỏ các ý tưởng không phù hợp.

“Ở một khía cạnh nào đó, những kế hoạch kinh doanh có thể giúp cho các nhà đầu tư nhận thấy sự nghiêm túc của bạn đối với dự án. Nhưng đừng vì đó mà áp đặt những giới hạn không cần thiết lên giai đoạn bắt đầu quá trình khởi nghiệp của mình. Hãy cứ thử nghiệm, rồi dần dần tinh chỉnh việc kinh doanh cho phù hợp với các yếu tố khách quan và chủ quan. Còn các bảng kế hoạch thì hãy để dành lại đến khi bạn đã thu thập được đầy đủ các dữ liệu cần thiết để áp dụng nó”, Brian Hamilton chia sẻ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm