1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 3,7 triệu lao động có việc làm nhờ Quỹ Quốc gia việc làm

(Dân trí) - “Hơn 3,7 triệu lao động có việc làm với gần 2,4 triệu lượt khách hàng được vay vốn đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.

Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và đối tượng chính sách khác (Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam) chia sẻ về kết quả của việc sử dụng vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Hơn 3,7 triệu lao động có việc làm nhờ Quỹ Quốc gia việc làm - 1

Góp phần tạo ra hơn 3,7 triệu việc làm

Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Trải qua bề dày 17 năm triển khai thực hiện quản lý và cho vay giải quyết việc làm, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, về nguồn vốn cho vay tháng 6/2019 đạt 17.286 tỷ đồng, tăng 15.290 tỷ đồng so với thời điểm năm 2003 khi nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đến tháng 6/2019 là 17.156 tỷ đồng, với hơn 527 nghìn khách hàng đang còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 33 triệu đồng/lao động.

Tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giảm đều qua các năm. Tại thời điểm nhận bàn giao năm 2003, nợ quá hạn là 143 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao 7,28% trên tổng dư nợ.

Ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá về hoạt động của Quỹ Quốc gia về việc làm

NHCSXH, nguồn vốn vay đã gần 2,4 triệu lượt khách hàng có tài chính phát triển kinh doanh sản xuất, qua đó góp phần tích cực giải quyết hơn 3,7 triệu lao động có việc làm.

“Nguồn vốn vay đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động. Nhiều điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Đào Anh Tuấn cho biết.

Bố trí nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm

Những kết quả đạt được là tích cực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Từ năm 2016, đến nay ngân sách Nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm. NHCSXH cho vay chủ yếu bằng vốn thu hồi nợ, nguồn vốn huy động nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”.

Hơn 3,7 triệu lao động có việc làm nhờ Quỹ Quốc gia việc làm - 2

Trong khi đó, mức cho vay tối đa đối với người lao động là 50 triệu đồng/lao động - còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn đang ngày một tăng cao trong giai đoạn hiện nay.

Về thời hạn cho vay tối đa, ông Tuấn cho rằng quãng thời gian 5 năm chưa phù hợp với một số đối tượng đầu tư dài hạn để vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

"Ngoài ra, quy định tại Luật Việc làm thì nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động phải thuộc trên cùng một địa bàn cấp xã. Điều này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai cho vay thực tế tại cơ sở, khi có nhiều lao động cư trú hợp pháp tại xã, phường, thị trấn này nhưng lại có dự án đầu tư ở xã, phường, thị trấn khác thì không được vay vốn từ chương trình này” - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư ... với hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm. 

Hướng tới đối tượng yếu thế

Một điểm sáng của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi đối với người lao động là người khuyết tật, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

Các đối tượng này khi vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm được ưu đãi lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện nay lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm; lãi suất cho vay đối với các đối tượng này là 3,3%/năm).

Nguyễn Lân