1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Hôm nào cũng phải làm thêm giờ…”

(Dân trí) - 19:15, trong khi đợi cơm hộp, bạn tranh thủ hoàn thiện nốt bản dự toán để nộp cho sếp ngay trong tối nay. Đây là lần thứ 3 trong tuần bạn phải ăn bữa tối một mình tại văn phòng và cuống cuồng gọi điện nhắc chồng đi đón con. Hình như sếp quên mất rằng bạn còn có một gia đình...

Công việc ngập đầu khiến bạn cảm thấy như đến cả năm nay mình không hề rời khỏi chiếc bàn làm việc để đi ăn trưa nữa. Bạn không có thời gian để uống một tách cà phê, tán một vài câu chuyện cùng đồng nghiệp, chứ đừng nói là chăm sóc gia đình.

 

Sếp đang “bóc lột” cạn sức lao động của bạn. Phải làm sao đây?

 

1. Xác định rõ nguyên do

 

Đó là xu hướng làm việc của công ty từ xưa đến nay: Làm hết việc chứ không làm hết giờ? Hay đây chỉ là một giai đoạn nhất thời, vì hợp đồng mới quá cấp bách? Hay nguyên nhân nằm ở chính “lão” sếp thích vắt kiệt sức lao động của nhân viên? Tìm hiểu rõ nguyên nhân của việc phải ở lại làm thêm giờ, bạn sẽ biết chọn cách xử lý phù hợp.

 

Nếu đây chỉ là một chính sách “thử lòng” nhân viên, đánh giá tinh thần hăng say làm việc hoặc đây chỉ là giải pháp cấp bách để hoàn thành gấp bản hợp đồng mới, bạn hãy biết hy sinh một chút vì công ty nhé, đừng than vãn nhiều. “Tuần làm thêm giờ” sẽ kết thúc nhanh thôi.

 

2. Nói chuyện thẳng thắn với sếp

 

Bất kể lý do của việc làm thêm giờ là gì, bạn cũng nên có ý kiến thẳng thắn với sếp. Thảo luận cùng sếp và những người có liên quan để tìm ra phương pháp làm việc hiệu quả nhất. Chẳng hạn, bạn đề xuất sẽ đi làm sớm nửa tiếng thay vì phải về muộn 30 phút.

 

Bạn cũng nên nói rõ những khó khăn của bản thân như con nhỏ cần chăm sóc buổi tối, nhà ở xa,… để sếp biết mà giao việc phù hợp. Tất nhiên, đừng vì bản thân quá mà không nghĩ gì đến cái khó của sếp. Sếp có thể sẽ tức khí mà không cần bạn nữa, bởi thực ra, khi giao thêm việc cho bạn tức là sếp rất tin tưởng năng lực của bạn đấy.

 

3. Chấp nhận hy sinh

 

Sau khi họp bàn, nếu nhận thấy rằng việc làm thêm là bất khả kháng và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn thì bạn nên chấp nhận hy sinh vì việc chung. Hãy coi như đó là hành động nên làm của một nhân viên gương mẫu, và chắc chắn bạn sẽ được đánh giá cao trong công việc.

 

Hãy bàn bạc và tìm sự thông cảm, giúp đỡ ở chồng và những người thân trong gia đình để toàn tâm hơn cho công việc và cuộc sống gia đình không bị đảo lộn.

 

4. Cân nhắc giữa sự nghiệp và gia đình

 

Có thể đối với bạn, công việc này không quá quan trọng. Có thể gia đình với bạn là tất cả. Có thể chồng bạn cũng vô cùng bận rộn và con bạn đang ở độ tuổi rất cần sự dạy dỗ và chăm sóc của người mẹ. Có thể còn nhiều điều “có thể…” khác để bạn phải suy ngẫm: bạn nên hy sinh vì sự nghiệp hay đặt gia đình lên trên hết.

 

Gia Nam

Theo Careerbuilder