Hội Khuyến học VN ký kết với Bộ LĐ-TB&XH nâng cao đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(Dân trí) - Chiều ngày 13/9, tại Hà Nội, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ LĐ - TB&XH đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2018 – 2023.
Thách thức của lao động nông thôn
Tại lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch TƯ Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, vừa qua Hội đã thực hiện tổng kết Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, trong đề án của Chính phủ nhằm triển khai Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị cũng đề cập đến vấn đề đào tạo nghề đối với Bộ LĐ-TB&XH.
Chủ tịch Doan cũng đưa ra 4 thách thức đối với lao động nông thôn hiện nay.
Thứ nhất, nền công nghiệp 4.0 chính là cuộc cách mạng lớn mang tên trí tuệ nhân tạo. Những máy móc hiện đại gần như thay thế vai trò của con người trong nhiều vị trí làm việc. Do đó, cơ cấu thị trường lao động sẽ bị phá vỡ, nguồn lao động giản đơn, trình độ thấp bị đẩy ra ngoài “lề đường” gọi cách khác là thất nghiệp gia tăng.
Thứ hai, như các thỏa thuận của các nước trong cộng đồng ASEAN, các lao động được quyền đi lại tự do, ứng tuyển và làm việc tại bất kì quốc gia nào nếu đáp ứng đủ yêu cầu của các công ty, tổ chức. Do đó, nếu lao động phổ thông của chúng ta không chịu thay đổi, kém về mặt chuyên môn năng lực ắt yếu thế ngay trên chính sân nhà.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Thứ ba, hiện nay chúng ta đang thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu tiên vùng miền, tầng lớp và độ tuổi lao động. Nhưng trong nền công nghiệp 4.0, những ranh giới này được phá vỡ hoàn toàn. Tất cả công dân đều sẽ bình đẳng, bớt các chương trình ưu tiên, người dân đừng ỉ lại vào điều kiện khách quan. Nếu không đáp ứng được thì vô tình sẽ trở thành gánh nặng ngược lại cho xã hội.
Thứ tư, số thanh niên hiện nay chiếm gần 25% dân số, nhưng lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên lại chiến gần 73 % lao động cả nước (chủ yếu trong độ tuổi từ 20 – 30 tuổi). Tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm 5% dân số, trong đó phải kể đến một lượng đáng kể sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm. Do trình độ ngoại ngữ thấp, kinh nghiệm ít, chỉ đáp ứng được lao động giản đơn và lao động cơ bắp. Cần lưu tâm hơn lực lượng lao động này.
Học tập là con đường duy nhất
Đồng ý với quan điểm với Chủ tịch Doan, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện nay có 56% lao động đạt trình độ chuẩn, nhưng thực chất chỉ có 22% trong số đó có chứng chỉ đào tạo từ sơ cấp trở lên. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đang tổ chức sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, và trường dạy nghề. Nhằm tinh gọn, gắn đào tạo nghề ở nông thôn với thu hẹp tỷ lệ thất nghiệp.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Theo Bộ trưởng, hai vấn đề lớn đặt ra hiện nay, thứ nhất là 1 triệu công nhân Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo lại, phần đa trong số đó là học sinh tốt nghiệp THPT chưa qua các trường nghề chuyên nghiệp. Do đó nguy cơ lao động ngoài độ tuổi 30 - 40 tuổi trở lên rất dễ thất nghiệp trong vài năm tới, vì không có tay nghề, không có chuyên môn kĩ thuật.
Trong khi các doanh nghiệp luôn chạy theo vòng xoáy giá trị và thành quả lao động do công nhân tạo ra ở mức cao nhất, không đáp ứng được yêu cầu thì chuyện đảo thải chỉ là “một sớm, một chiều”.
Thứ hai, số người trong độ tuổi lao động ngày càng được giãn rộng từ 18 - 60 tuổi, việc học ở bất kì độ tuổi nào cũng rất quan trọng. Điều này rất đúng với mục đích của Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về học tập suốt đời, học tập ở người lớn và xây dựng xã hội học tập thực sự.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc hợp tác cùng hoạt động giữa 2 cơ quan là điều tất yếu, cần có trong bài toán giải quyết việc làm trong độ tuổi lao động nhờ vào sự tham gia của các trung tâm học tập cộng đồng và các trường giáo dục nghề nghiệp.
Thống nhất công tác khuyến học
Theo đó, đại diện 2 cơ quan đã ký kết thông qua chương trình hành động nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Bộ trưởng LĐ-TB&XH và Hội Khuyến học phát huy vai trò của hai cơ quan trong việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền các chủ trương về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc thực hiện quyền giáo dục, học tập của trẻ em; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cho toàn thể cán bộ, công chức, hội viên và người lao động.
Cùng với đó, nhiệm vụ tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với xây dựng các mô hình học tập của Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế, người khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa, người dân tộc, người sống ở vùng sâu, vùng xa được học tập suốt đời cần được 2 cơ quan chú trọng hơn.
Hà Cường