Học làm giàu qua mạng, cô gái bị bạn thân lừa 750 triệu đồng
(Dân trí) - Với mong muốn kiếm thêm thu nhập khi ở nhà làm nội trợ, nhiều người đã bị đối tượng lấy lòng tin, lừa đảo thông qua mạng xã hội.
Tin bạn, mất gần 1 tỷ đồng
Đầu năm 2023, chị M. (35 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm thêm khi đang chăm con nhỏ. Ngay sau đó, hàng loạt các trang thông tin trực tuyến liên tục gửi quảng cáo giới thiệu việc làm cho chị.
Sau một hồi tìm hiểu, chị M. chọn việc đầu tư bán sản phẩm online nhằm kiếm lời. Hình thức buôn bán là chị M. nạp tiền mua sản phẩm ban đầu, xem như tiền gốc để giữ chân.
Đối tượng trong nhóm chung sẽ liên tục cập nhật mặt hàng và con số doanh thu đạt được nhằm thể hiện nhiều người mua và có lãi. Số tiền lãi này sau đó sẽ được trả đúng hẹn.
"Ban đầu tôi làm theo và thu tiền lãi đều đều. Đến một ngày, tôi đang giao dịch bình thường thì mãi không rút được tiền lãi và gốc ra nữa, tài khoản báo đăng nhập không đúng", chị M. kể.
Ngay sau đó, tài khoản gửi thông báo yêu cầu chị M. nạp thêm chi phí để kích hoạt. Trong trạng thái tâm lý sốt ruột muốn nhanh lại lấy số tiền, chị M. đã nạp thêm và đến lần 3 thì phát hiện bản thân bị lừa.
"Lúc ấy tôi có gọi điện tới bên cung cấp hàng nhưng không ai trả lời, sau đó thì chặn số liên lạc. Cũng may tôi chỉ bị lừa 70 triệu đồng từ tiền tiết kiệm, xem như bài học nhớ đời", chị M. chia sẻ.
Tương tự, chị T. (32 tuổi, ngụ Hà Nội) chia sẻ, sau một thời gian cắt đứt liên lạc, chị bỗng nhận lời mời gặp mặt từ một người bạn cấp 3. Người này nắm bắt được rất nhiều thông tin cá nhân của chị T., biết chị đang khó khăn khi phụ thuộc kinh tế vào chồng nên nhanh chóng thuyết phục chị làm thêm để tự chủ tài chính.
"Người bạn này luôn theo sát và rủ tôi đầu tư giao dịch ngoại hối thông qua đăng ký đường link (đường dẫn). Tôi cũng lần đầu giao dịch kiểu này nên không cảnh giác. Sau này mới biết khi đăng ký tài khoản thì hệ thống của bạn đó đã nắm toàn bộ thông tin tài khoản, có thể rút hết tiền của tôi", chị T. nói.
Ban đầu, tiền lãi luôn được gửi về đều đặn. Thậm chí, để an toàn, chị T. thường xuyên rút vốn và đều được thanh khoản nhanh chóng.
2 tuần sau, người bạn này tiếp tục giục chị T. đầu tư vào những dự án lớn hơn nhằm kiếm lời "khủng". Tin tưởng bạn, chị quyết định "xuống tay" lần cuối 750 triệu đồng.
"Tôi không nói với chồng vì một phần nể bạn, một phần nghĩ nốt lần này rồi rút ra. Đến khi lấy tiền, hộp thư cá nhân liên tục báo tôi phải nạp thêm 10% số tiền để làm phí giao dịch. Tôi bắt đầu thấy nghi ngờ vì tại sao lại không trừ vào 750 triệu đồng đã có trong tài khoản, nên quyết định nói với chồng và anh khẳng định 100% là bị lừa", chị T. kể.
Trả nợ nhiều năm, ám ảnh tâm lý
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an), hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Báo cáo từ Cục An toàn thông tin cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác… Tổng cộng 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Ngay sau khi bị lừa số tiền lớn, người mẹ bỉm sữa như chị M. đã suy sụp hoàn toàn. Thậm chí vì sợ bị gia đình la mắng, chị đã quyết định giấu chuyện, một mình chịu đựng, gồng gánh suốt thời gian dài.
Đồng cảnh ngộ, anh Lê Hiếu (27 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, dịp tình cờ gặp bạn cũ, anh cũng được mời tham gia một sàn giao dịch tiền ảo. Người này đã đánh vào tâm lý muốn làm giàu sớm nhằm thuyết phục anh.
Để chắc ăn, Hiếu đã tìm hiểu mô hình này suốt 2 tháng liền qua các kênh thông tin và biết nó rất thịnh hành trên thế giới. Đến khi Hiếu tham gia nhóm chat và gặp nhiều người cùng tâm lý như mình, anh mạnh dạn dồn tiền tiết kiệm và vay mượn thêm hơn 70 triệu đồng đầu tư. Mọi người trong nhóm sẽ nghe theo lời hướng dẫn của chủ phòng để đầu tư và ăn lợi nhuận 1-3%.
"Ở giai đoạn đầu, nhằm thu hút người chơi, đồng thời lợi dụng họ giới thiệu thêm nhiều người khác nên hệ thống trả tiền rất nhanh, đều đặn. Khi số tiền và lượng người đủ thì họ giả lập trường hợp thua lỗ. Đến giai đoạn họ cảm giác đã bão hòa, không thể thu hút khách thêm thì dùng biện pháp "thu lưới", đọc trật lệnh khiến khách thua hết tiền", anh Hiếu kể.
Sau đó vì thấy "mùi" lừa đảo, anh Hiếu cố gắng bán hết lượng tiền ảo đang nắm giữ nhưng không được. Những người còn lại cũng bị mất sạch vốn trên ứng dụng.
"Sau đó mình mới biết hệ thống sàn đó do một nhóm người lập ra dựa trên xu hướng đầu tư tiền ảo đang thịnh hàng trên thế giới. Họ nhắm vào những người trẻ và trung niên muốn làm giàu sớm, đổi đời nhanh…", anh Hiếu nói.
Sau thời điểm ấy, cậu bạn trẻ đã phải sống chật vật nhiều năm, làm việc để trả những khoản đã vay.
Với chị T., chị may mắn khi được chồng phát hiện và ngăn chặn sớm nên không rơi vào cảm giác suy sụp. Thế nhưng, đến giờ, khi nghĩ lại chị vẫn sốc, đặc biệt là sự cảnh giác hơn với các chiêu trò làm giàu thông qua mạng xã hội.
"Đối với gia đình tôi, số tiền 750 triệu đồng không quá lớn nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh khác thì có khi việc này đã đẩy con người ta vào nợ nần, đường cùng. Vì vậy sau chuyện này, tôi đã nói cho gia đình, bạn bè biết chuyện nhằm cảnh giác", chị T. nói thêm.