Hỗ trợ lao động mất việc: nóng bỏng cũng phải đợi!
Số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm dừng hoạt động... đang nóng lên theo báo cáo từ các cơ quan quản lý doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp kéo theo sự khó khăn của người lao động, nhưng tới nay việc hỗ trợ những lao động này vẫn phải đợi.
Mới đây nhất, bộ Lao động – thương binh và xã hội gửi công văn tới các tỉnh với hai mục đích: yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng lao động, lao động mất việc và yêu cầu các tỉnh thực hiện đúng các chế độ với lao động mất việc như: trả trợ cấp thôi việc mất việc, bảo hiểm thất nghiệp... Công văn này yêu cầu các địa phương tăng cường dạy nghề, tạo việc làm... cho lao động mất việc.
Ông Lê Quang Trung, cục phó cục Việc làm thuộc bộ này cho biết bộ yêu cầu các địa phương ưu tiên cho người lao động bị mất việc làm được vay vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm cho mình. Quỹ Quốc gia về việc làm cũng sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để tạo thêm việc làm mới, thay vì tập trung vào cho vay theo hộ gia đình. Các địa phương cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng người lao động bị mất việc làm để làm việc lâu dài.
Tuy nhiên trong thực tế, những giải pháp này chỉ mang tính hành chính. Từ địa phương, ông Vũ Trung Chính, giám đốc trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, cho biết, các giải pháp này vẫn đang được địa phương thực hiện. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp chỉ có thể tuyển dụng khi việc kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên. Trong trường hợp người lao động bị mất việc cần được hỗ trợ, bộ Lao động – thương binh và xã hội cần tham mưu để Chính phủ đưa ra các chính sách như: vay tiền trả lương, hỗ trợ lãi suất... như các chính sách đã từng được ban hành năm 2009.
Trả lời về việc liệu người lao động có thể hy vọng về một chính sách hỗ trợ nào cụ thể và thực tế hơn không, bà Nguyễn Thị Hải Vân, cục phó cục Việc làm cho biết, cần phải đợi kết quả khảo sát thực tế được các địa phương báo cáo về sau ngày 15.6 và sau đó, trên cơ sở thực tế mới xem xét để tính có cần ban hành chính sách hỗ trợ hay không.
Trong khi chưa thể trông đợi vào các khoản hỗ trợ thì bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh của người lao động mất việc. Tuy nhiên phao này cũng không mấy tác dụng. Ông Chính cho biết, rất nhiều lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp nhưng không đủ điều kiện để hưởng. Lý do chính là người lao động không được chốt sổ bảo hiểm do chủ doanh nghiệp đã nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 – 6 tháng.
“Doanh nghiệp không còn tiền để trả lương, chủ phải bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể thì khó có chuyện thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”, ông Chính nói.
Ông Lê Quang Trung thừa nhận, nếu doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội thì người lao động không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, vì nguyên tắc có đóng mới có hưởng.
Như vậy, kết quả là cho dù tình trạng mất việc làm có nóng bỏng chừng nào thì đó vẫn là chuyện của người lao động, họ phải tự thu xếp mà khó có thể trông chờ vào các phao cứu sinh từ cơ quan quản lý hoặc chính sách hỗ trợ.
Theo Tây Giang
SGTT