Hà Nội: Số lao động thất nghiệp đăng ký nhận hỗ trợ học nghề tăng gấp 3 lần
(Dân trí) - “Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 3.000 lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đăng ký nhận quyết định hỗ trợ học nghề, tăng hơn 3 lần so với cùng kì năm 2018”.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) thông tin về kết quả thực hiện chính sách dạy nghề cho lao động hưởng BHTN trong quý 2/2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đưa người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động
Nhấn mạnh kết quả đào tạo nghề hết quý 2/2019 cho lao động hưởng BHTN tăng nhiều so với cùng kỳ, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho rằng, nguyên nhân là từ công tác tổ chức, lựa chọn ngành nghề.
“Đối với việc thực hiện chính sách BHTN, chúng tôi luôn xác định làm sao để giúp người lao động (NLĐ) thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Đồng thời, cũng giúp NLĐ hưởng BHTN hiểu rằng, người ta luôn luôn được hưởng một số tiền về trợ cấp về thất nghiệp thì ngoài việc được tư vấn hỗ trợ giới thiệu việc làm, họ còn được tư vấn hỗ trợ học nghề miễn phí. Đó là hai quyền lợi cơ bản nhất của NLĐ khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp” - bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.
Với việc xác định mục tiêu chính của chính sách BHTN nêu trên, lãnh đạo Trung tâm DVVL Hà Nội đã chỉ đạo cán bộ nhân viên phải luôn luôn quan tâm đến NLĐ và đặt vấn đề tư vấn cho NLĐ làm sao sớm quay trở lại với thị trường lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tiếp nhận 31.687 người lao động đến nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHTN. Con số này tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, 100% NLĐ đến Trung tâm nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về hỗ trợ học nghề cũng như là giới thiệu việc làm quay trở lại thị trường lao động.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Trung tâm còn mở rộng liên kết với các đơn vị cơ sở đào tạo nghề được Nhà nước cấp phép trên địa bàn thành phố để làm sao giúp NLĐ có nhiều cơ hội, có nhiều ngành nghề để lựa chọn, cũng như có nhiều cơ sở đào tạo nghề để NLĐ có sự lựa chọn để gần với nơi ở nhất.
Các nghề liên kết đào tạo được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường hiện nay, như: Lái xe, nấu ăn, kĩ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng, kế toán, may công nghiệp, phun thêu săm thẩm mỹ....
“Nhờ đó, số lượng NLĐ nhận BHTN có nhu cầu học nghề đã tăng lên đáng kể so với cùng kì năm 2018. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm thì đã có hơn 3.000 NLĐ hưởng BHTN đăng kí học nghề đã nhận quyết định hỗ trợ học nghề, tăng hơn 3 lần so với cùng kì năm 2018” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.
Mở rộng ngành nghề đào tạo
Một thông tin đáng chú ý được bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Hiện nay các trường nghề đã nhận được nhiều đơn của học sinh để học nghề thay vì lúc trước chỉ đua theo vào học Đại học bằng bất kì giá nào, kể cả là những ngành nghề sau này rất khó xin việc.
“Điều này có nghĩa là người lao động đã nhận thức được là thị trường lao động hiện nay thì người ta cần tuyển kĩ năng nghề nhiều hơn là những lao động làm gián tiếp, làm ở trình độ Đại học…Nhiều bạn trẻ không còn tư tưởng phải vào đại học bằng mọi cách hoặc ở một ngành nghề nào mà sau này tốt nghiệp thị trường lao động cần và biết lựa chọn học một ngành nghề nào đó thời gian lựa chọn ngắn hơn, tiết kiệm chi phí cho gia đình, tiết kiệm chi phí cho chính bản thân họ” - bà Vũ Thị Thanh Liễu thông tin.
Để định hướng thêm cho các em, Trung tâm DVVL Hà Nội đã chú trọng tổ chức các hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp và tư vấn hỗ trợ học nghề. Đối tượng tư vấn từ các em ngồi trên ghế nhà trường, các em học sinh PTTH cho đến người lao động đã đi học xong để làm sao người ta định hướng được công việc nghề nghiệp, ngành nghề phù hợp để theo học.
Được biết, năm 2019, Trung tâm DVVL Hà Nội sẽ mở rộng thêm ngành nghề đào tạo, mở rộng cơ sở đào tạo để nâng cao số lượng NLĐ tham gia hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay trở lại thị trường LĐ.
Trung tâm cũng sẽ thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kì, giao dịch việc làm chuyên đề... tại các phiên giao dịch này hoặc tại các phiên giao dịch việc làm lưu động mà nơi thị trường lao động phát triển để lao động có thêm nhiều cơ hội chọn nghề.
Lê Dân