1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội: Nợ bảo hiểm xã hội tới hơn 2.000 tỷ đồng

(Dân trí) - “Đến ngày 30/4, thành phố có 37.557 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với số tiền phải tính lãi là 2.084,9 tỷ đồng. Số liệu trên tăng 1.105,1 tỷ đồng so với tháng 12/2018” - ông Nguyễn Đức Hoà, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội chia sẻ với báo giới hôm 22/5.

Hà Nội: Nợ bảo hiểm xã hội tới hơn 2.000 tỷ đồng - 1

Hội nghị giải quyết vướng mắc đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN tại TP Hà Nội.

Số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên đã ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của 559.629 lao động.

Tăng cường công tác thanh tra

Thống kê của BHXH Hà Nội, trong số 37.557 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN có 794 đơn vị nợ trên 24 tháng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 5.554 lao động, 1.039 đơn vị nợ 12 đến dưới 24 tháng với 7.671 lao động. Số còn lại là các đơn vị nợ với thời gian 6 tháng hoặc 3 tháng.

Nhận định của lãnh đạo BHXH thành phố, để giảm thiểu tình trạng nợ trên, công tác thanh tra được xem là một trong những “mũi chủ công”. Chính vì vậy, việc triển khai Thanh tra đã được đẩy mạnh, kết hợp sự tham gia của nhiều ban, ngành của thành phố trong suốt thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, trong 4 tháng đầu năm 2019, hơn 800 cuộc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện ở các đơn vị nợ với tổng số tiền nợ 379,4 tỷ đồng, thu hồi được 142 tỷ đồng (đạt 37,4%).

Ông Nguyễn Đức Hoà - GĐ BHXH Hà Nội, trả lời các thắc mắc của DN nợ BHXH

“Cơ quan Thanh tra Thành phố chủ trì, phối hợp liên ngành ban hành văn bản dự kiến kế hoạch thanh tra tại 261 đơn vị, thực hiện thanh tra 100 đơn vị. BHXH Thành phố cũng tổ chức 628 cuộc thanh tra chuyên ngành các đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ là 96,6 tỷ đồng, sau thanh tra thu hồi được 33,1 tỷ đồng” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết.

Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 80 cuộc kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền nợ 16,5 tỷ đồng. Sau quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu hồi được 13,7 tỷ đồng, xử phạt 3 đơn vị với số tiền: 261.249.000 đồng theo thẩm quyền.

Kết hợp các biện pháp đồng bộ

Bên cạnh công tác thanh tra liên ngành, BHXH thành phố cũng tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Ông Nguyễn Đức Hoà cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng Thành phố, các Sở, ngành chức năng, các Ban quản lý dự án trao đổi thông tin, kiên quyết không vinh danh khen thưởng, cho tham gia đấu thầu và đầu tư dự án của Thành phố đối với các đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội”.

Trên cơ sở đó, Ban Thi đua khen thưởng thành phố đã có văn bản đề nghị BHXH Thành phố xác nhận 340 đơn vị, doanh nghiệp (trong đó có 312 doanh nghiệp) có nợ BHXH, BHYT, BHTN không, trước khi đề xuất khen thưởng.

Cơ quan BHXH thành phố cũng gửi hơn 59.00 lượt văn bản đôn đốc thu nợ đến các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Cùng đồng hành với ngành BHXH, Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT để khắc phục tình trạng nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, công tác nghiên cứu hồ sơ để khởi kiện hơn 580 đơn vị với số tiền nợ đóng BHXH 474,3 tỷ đồng, thu hồi số tiền 99, 673 tỷ đồng; lũy kế đến hết tháng 4/2019 cũng đang được thực hiện.

Đồng thời, BHXH thành phố cũng tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm 2019, BHXH thành phố đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động Thành phố và UBND quận, huyện, thị xã, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tổ chức 43 Hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại đối với doanh nghiệp và người lao động với trên 5.160 người tham dự.

Bên cạnh đó, BHXH thành phố cũng kiên quyết công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một số nguyên nhân chính khiến số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng cao

Theo BHXH thành phố, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn (nợ 1.384,6 tỷ đồng chiếm 66,4% tổng số tiền nợ).

Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động,…chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật. Đến ngày 30/4/2019 có trên 7.000 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 781,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế; chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không được đảm bảo.

Thành Trung