1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

GS Võ Tòng Xuân: Tư lệnh ngành bắt đúng "bệnh" về lao động - việc làm

Nguyễn Hành

(Dân trí) - GS. Võ Tòng Xuân nhận xét, phần trả lời cử tri cho thấy Bộ trưởng đã bắt đúng "bệnh" trong mảng lao động-việc làm chính là vấn đề đào tạo nghề...

Căn cơ là đào tạo nghề…

Những ngày đầu tháng 10, làn sóng công nhân lao động làm việc tại TPHCM và một số tỉnh trọng điểm phía Nam ồ ạt về quê khiến GS.TS Võ Tòng Xuân trăn trở về bài toán lao động - việc làm. Nhưng sau khi theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ông chia sẻ, bản thân "đã yên tâm hơn".

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đại dịch Covid-19 xảy ra đã lộ rõ bức tranh giàu nghèo của người dân Việt Nam. Khi đó, nhóm lao động nghèo bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là nhóm công nhân lao động làm việc tại các thành phố lớn, như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

GS Võ Tòng Xuân: Tư lệnh ngành bắt đúng bệnh về lao động - việc làm - 1

GS.TS Võ Tòng Xuân nhất trí cao với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khi các cử tri chất vấn vấn đề lao động, việc làm (Ảnh: CTV)

Khi đi làm công nhân xa quê, 3-4 gia đình cùng thuê một nhà trọ chen chúc nhau ở. Đến khi dịch bệnh xảy ra, công ty đóng cửa, mất việc khiến cuộc sống vô cùng khó khăn, tình trạng thiếu ăn xảy ra, chăm sóc y tế thiếu thốn…

Từ đó, khi TPHCM "mở cửa", họ phải về quê để đổi lấy sự an toàn, khi doanh nghiệp cũng bỏ rơi họ, vì thực tế doanh nghiệp cũng đuối sức khi bị đóng cửa quá lâu.

"Vừa qua, về vấn đề này, tôi thấy Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời rất hợp lý. Bộ LĐ-TB&XH đã vận động các chính sách để hỗ trợ người lao động, dân nghèo trong giai đoạn khó khăn nhất vì dịch bệnh. Các chính sách cũng được triển khai kịp thời đến người sử dụng lao động và người lao động". GS.TS Võ Tòng Xuân nhận xét.

Người lao động về quê_ tránh dịch_ Minh Anh.jpeg

Thời gian vừa, có hàng trăm nghìn lao động tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An... trở về quê (Ảnh: Minh Anh).

Tuy nhiên, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Bộ LĐ-TB&XH cũng như chính quyền địa phương cần nhìn nhận rõ một vấn đề, số lao động về quê đa phần là những công nhân không có "biên chế" hay hợp đồng lao động dài hạn với công ty.

Họ không phải là những lao động có tay nghề tốt nên không được công ty quan tâm và bị lọt các chính sách hỗ trợ nên họ phải về quê, dù về quê cũng chưa biết làm gì.

"Do đó, tôi nhất trí cao với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về việc đưa ra giải pháp giải quyết căn cơ cho bài toán lao động, việc làm hiện nay chính là đào tạo nghề cho người lao động", GS.TS Võ Tòng Xuân, nhấn mạnh.

Đào tạo nghề_ người lao động_ Ảnh CTV.jpeg

Vấn đề căn cơ và lâu dài là đào tạo nghề cho người lao động. Việc này hiệu quả hơn khi các trung tâm, trường dạy nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp (Ảnh: CTV).

Vì theo GS Xuân, hiện nay, số công nhân, người trong độ tuổi lao động trình độ còn thấp; không có tay nghề. Việc đào tạo còn một chiều, không gắn với doanh nghiệp dẫn đến thừa, thiếu và không đúng nghề doanh nghiệp cần.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH cần kiến nghị ra quyết sách có mức chuẩn về trình độ văn hóa, tối thiểu là học hết lớp 10. Khi một công nhân, người lao động có văn hóa tối thiểu hết lớp 10, việc đào tạo nghề thuận lợi và chất lượng hơn.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cần có những trung tâm dạy nghề chất lượng cao. Tại các trung tâm, trường dạy nghề này phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên chất lượng, giỏi nghề; trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị để học viên thực hành, không dạy "chay", lý thuyết. Và việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Các địa phương tự tạo việc làm cho người dân

GS.TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, trước làn sóng hàng trăm nghìn lao động trở về các tỉnh miền Tây, lãnh đạo các địa phương này cần có những kế hoạch tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Muốn làm được việc này, các tỉnh phải thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển thành những cụm tuyến khu công nghiệp thì mới giữ chân công nhân được.

GS Võ Tòng Xuân: Tư lệnh ngành bắt đúng bệnh về lao động - việc làm - 4

GS.TS Võ Tòng Xuân còn cho rằng, lãnh đạo các địa phương ở khu vực ĐBSCL cần chủ động tạo việc làm cho người lao động tại địa phương (Ảnh: CTV)

Song song với các chính sách kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, lãnh đạo các địa phương cần chủ động tạo nguồn lao động dồi dào và có tay nghề cao để doanh nghiệp không "khát" lao động như hiện nay. Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp có quỹ đất, xây nhà ở xã hội, đảm bảo nơi ở, học hành cho con em công nhân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân còn gợi mở, các tỉnh miền Tây cần chú tâm phát triển chuỗi ngành hàng nông nghiệp đến nơi đến chốn. Ông dẫn chứng, việc khai thác giá trị từ cây sen, đến giờ, không thể trồng sen, hái sen cho vào túi nilon mang ra lề đường bán, mà phải hình thành vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến rồi xuất khẩu. Có như vậy, mới góp phần giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

"Hiểm họa đại dịch Covid-19 cũng cho chúng ta thấy thay đổi mới về sự liên kết để không bị đứt gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ. Từ sự liên kết chặt này để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển", GS xuân nói.