Gojek rút khỏi thị trường Việt, tài xế choáng váng "chưa dám nói với vợ"
(Dân trí) - "Đến giờ, tôi vẫn chưa nghe hãng thông báo gì. Tôi biết tin này qua mạng xã hội và các trang báo điện tử. Tôi thật sự rất sốc và không biết sẽ làm gì tiếp theo", một tài xế xe công nghệ hoang mang.
Đột nhiên thất nghiệp
Đọc dòng tin nhắn từ đồng nghiệp, Minh Hiếu (40 tuổi, ngụ tại TPHCM), một tài xế xe ôm công nghệ, cứ ngỡ… nhìn nhầm khi nội dung là thông báo "Gojek sẽ rời Việt Nam từ ngày 16/9". Mưu sinh giữa trời giông bão, nam tài xế ướt nhem, phải tấp vội vào lề để kiểm tra thông tin một lần nữa trên các trang báo chính thống.
Khi chắc chắn đây là sự thật, anh Hiếu ngồi thẫn thờ giữa đường phố, đầu óc rối bời. Đọc dòng thông báo xong, anh không còn chút tâm trạng nào cho công việc.
"Thật sự tôi rất bất ngờ và sốc. Công việc chạy xe là thu nhập chính để tôi nuôi gia đình suốt mấy năm qua. Giờ đột nhiên không còn nữa, tôi chưa biết phải làm sao…", anh Hiếu thở dài.
Đến thời điểm hiện tại, nam tài xế cho hay anh vẫn chưa nhận được thông báo chính thức hay chính sách mới nào từ hãng. Anh cũng chưa dám thông báo tin này cho vợ, con hay người thân nào trong gia đình.
Là trụ cột, lao động chính trong nhà, việc anh đột nhiên thất nghiệp, cả gia đình sẽ rơi cảnh thiếu thốn trăm bề. Nam tài xế dự định sẽ tạm thời tìm một hãng xe công nghệ khác để đăng ký làm tài xế, mức cạnh tranh khốc liệt hơn, thu nhập sẽ khó khăn hơn nhưng tính tiếp sau.
"Tôi đã theo nghề này quá lâu, bây giờ không biết phải làm công việc nào khác. Bản thân cũng đã 40 tuổi rồi, giờ xin đi làm công nhân còn khó…", anh Hiếu bộc bạch.
Anh Hiếu cho biết đã làm tài xế công nghệ cho hãng Gojek từ năm 2018 đến nay. Trước đó, anh nghe người xung quanh chia sẻ đây là nghề "mới nổi" ở Việt Nam, các tài xế có thể kiếm được rất nhiều tiền trong một ngày. Anh quyết định đăng ký chạy cho hãng Gojek, rồi gia nhập cộng đồng, các diễn đàn tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM.
Thời gian đầu, sau khi trừ các chi phí, nhiều hôm anh Hiếu có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng từ việc chạy xe. Thấy nghề này "ăn nên làm ra", lại tự do, không bị áp lực về thời gian, nam tài xế quyết định gắn bó lâu dài.
Thế nhưng, dần dà, người đăng ký làm tài xế ngày càng đông. Anh Hiếu bất lực nhìn số cuốc giảm hẳn, thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước.
"Nếu làm việc dưới 10 giờ/ngày, tôi chỉ có thể kiếm khoảng 300.000 đồng. Số tiền này không đủ để tôi lo cho gia đình. Vì thế, tôi luôn phải dậy từ sớm, làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày để đổi lấy thu nhập 400-500.000 đồng/ngày", anh Hiếu chia sẻ.
Theo nghề suốt 6 năm, nam tài xế cảm nhận "chỉ lãi được chứng bệnh đau cột sống". Người gầy, đen nhẻm, mắt cay, mũi luôn nhạy cảm vì hít nhiều khói bụi đường sá.
Nhiều tài xế "dứt áo ra đi"
Anh Trịnh Ngọc Tuyên (32 tuổi, ngụ tại TP Hà Nội) từng là tài xế xe ôm công nghệ từ năm 2015. Mặc dù thời điểm đó, công việc cho anh thu nhập cao gấp 5 lần lương cử nhân mới ra trường nhưng anh vẫn quyết định bỏ việc sau 3 năm theo đuổi.
8 năm trước, anh Tuyên khởi nghiệp thất bại, ôm một khoản nợ khá lớn. Cầm tấm bằng cử nhân ngành công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng, anh Tuyên thử đi xin việc nhưng mức lương sinh viên mới ra trường chỉ 4-5 triệu đồng/tháng, không đủ sống.
Số tiền này không đủ để Tuyên vừa lo cho chi phí sinh hoạt và trả nợ hằng tháng. Vì vậy, anh đã đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ. Thời điểm đó, nếu làm việc cả tuần không nghỉ ngày nào, anh có thể kiếm được 20-25 triệu đồng/tháng. Chỉ sau 2 năm, anh đã có thể trả hết số nợ.
Không lâu sau, ngày càng có nhiều sinh viên đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ, thu nhập của anh Tuyên giảm 30% so với trước. Lúc này, anh Tuyên mới nhận ra rằng càng về sau, sức cạnh tranh sẽ tăng dần. Anh sẽ phải tăng năng suất lao động nếu muốn giữ thu nhập như cũ.
"Tôi chợt tỉnh ra, quyết định dừng chạy xe, tìm lại tấm bằng đại học để đi xin việc đúng chuyên ngành mình được học, đào tạo", anh Tuyên cho hay.
Cầm tấm bằng trên tay, anh Tuyên ứng tuyển vào một công ty với vị trí học việc trong 3 tháng, được trả mức lương chỉ 2,3 triệu đồng/tháng.
Kết thúc 3 tháng học việc, anh Tuyên được nhận vào làm chính thức, được tăng lương lên mức 6 triệu đồng/tháng. Lúc ấy, nghề lái xe ôm công nghệ đối với Tuyên vẫn là công việc phụ. Anh tranh thủ chạy xe mỗi buổi tối hoặc cuối tuần để kiếm đủ chi phí sinh hoạt.
Sau 5 năm nỗ lực, anh có những bước thăng tiến trong công việc, trở thành trưởng nhóm. Giờ đây, thu nhập mỗi tháng của anh cao hơn việc chạy xe trước đây và còn được hưởng nhiều chế độ phúc lợi từ công ty.
Để có được thu nhập đó, anh chỉ cần làm việc 8 giờ/ngày, 21 ngày/tháng, không cần phải "cày cuốc" không ngừng nghỉ, chịu cảnh dãi nắng, dầm mưa mỗi ngày.
Nam nhân viên thở phào, nếu ngày đó không đưa ra quyết định bỏ làm tài xế để quay về công việc chính, có thể cuộc sống hiện tại của anh đã rất khác.
Gojek, nền tảng gọi xe và giao đồ ăn có trụ sở tại Indonesia, đã quyết định đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9 trong một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh của công ty.
Phía doanh nghiệp này cho biết quyết định trên phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của Tập đoàn GoTo, công ty công nghệ lớn nhất tại Indonesia.
Quyết định này là chiến lược nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.
Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet cùng hai dịch vụ GoBike để gọi xe máy và GoSend để giao nhận. Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.
Tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị xóa sổ. Công ty được đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ.