“Chảy máu chất xám” - nỗi lo không của riêng ai
Ông Phạm Thanh Hưng, Giám đốc một công ty chuyên về công nghệ phần mềm chia sẻ, vấn đề khó khăn nhất là việc khách hàng thay vì đến ký hợp đồng với công ty đã “bắt tay” cùng chuyên gia cấp dưới của ông với giá rất rẻ. Vấn đề này không chỉ “chảy máu chất xám” của doanh nghiệp mà sẽ nảy sinh nguy cơ nội gián ngay chính trong đội ngũ công ty.
Giám đốc công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Petrolimex Nguyễn Văn Sơn lại chia sẻ về nguy cơ bị cạnh tranh ngay chính đối thủ và đối tác của mình. Ông Sơn lấy ví dụ, trong công ty ông có nhiều nhân viên giỏi đang làm tại vị trí thiết kế, tư vấn. Họ luôn bị mời chào về các công ty đối thủ với vị trí làm việc cao hơn, mức lương cao hơn…
Vấn đề “chảy máu nguồn nhân lực” còn được các doanh nghiệp chia sẻ dưới góc độ nhân viên bị các công ty nước ngoài lôi kéo, nhân viên giỏi tự tách ra lập công ty riêng và trực tiếp trở thành đối thủ cạnh tranh của chính công ty… Hầu hết các đại biểu cùng chung một kết luận: “có được nhân viên giỏi đã khó, giữ chân được người giỏi càng khó hơn”.
Giữ chân người tài, đâu là bí quyết?
Để giải quyết bài toán “giữ chân người tài”, bà Nguyễn Trương Minh, chuyên gia Business Edge (một bộ phận của Chương trình phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) điều hành), đã chỉ ra vấn đề của doanh nghiệp là: Ai là nhân viên giỏi cần giữ? Cần giữ người giỏi từ lúc nào và bằng cách nào?
Theo bà Trương Minh, có 3 bí quyết rất đơn giản để giữ chân người giỏi:
Bí quyết thứ nhất: Giữ chân người giỏi là chiến lược, không phải là biện pháp đối phó nhất thời. Vì vậy, chiến lược giữ người giỏi phải tiến hành song song 4 yếu tố: thu hút, tuyển dụng, hội nhập và cộng tác.
Bí quyết thứ hai: Cần có những tiêu chí định tính và định lượng giúp doanh nghiệp nhận diện ra nhân viên giỏi cần giữ. Đó là việc luôn hoàn thành xuất sắc công việc, đảm trách những công việc đòi hỏi kỹ năng, kiến thức hiếm trên thị trường lao động, tâm huyết với sự phát triển của doanh nghiệp…
Bí quyết thứ ba là doanh nghiệp phải tìm ra được những yếu tố quyết định để giữ nhân viên giỏi. Bà Trương Minh cho rằng, nếu muốn nhân viên giỏi hài lòng và ở lại lâu dài với doanh nghiệp cần yếu tố giảm bất mãn bao gồm lương bổng và chế độ làm việc, yếu tố tạo nguồn bao gồm thu hút và tuyển dụng…
Sau buổi hội thảo này, các doanh nghiệp sẽ được tham gia 6 khóa đào tạo ứng dụng công nghệ quản trị nguồn nhân lực chuyên nghiệp (ProHR). Chương trình này do Business Edge phối hợp cùng Unicom tổ chức.
Trần Đức