1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giao lưu giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2017-2018

(Dân trí) - Buổi giao lưu được thực hiện từ 15h30 - 17h30 ngày 25/12. Chương trình do Báo Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện lần 3 trong năm 2017 nhằm giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2017-2018.

Bạn đọc có câu hỏi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và muốn được giải đáp, xin gửi câu hỏi về địa chỉ email: hoangmanh@dantri.com.vn. Ông Lê Quang Trung - Cục Phó Cục Việc làm sẽ trả các câu hỏi của bạn đọc.

Câu hỏi 1: Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động với công ty dệt may ở Hà Nam vào tháng 11/2017. Tuy nhiên đến tháng 2/2018 tôi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? (Người hỏi: Bà Lê Thị Vân Anh ở Phủ Lý, Hà Nam).

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp hưởng lương hưu hằng tháng. Ngày mà người lao động được xác định nghỉ hưu là ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu được ghi trong quyết định hưởng hưu hằng tháng của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì bà Lê Thị Vân Anh được hưởng trợ cấp thất nghiệp và trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bà Vân Anh sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi hưởng lương hưu hằng tháng theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 2: Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào? (Người hỏi: Bà Phan Thu Hòe ở Thanh Hóa).

Trả lời:

1. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm thì mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

2. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Theo quy định tại Điều 58 Luật Việc làm thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền l­ương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền l­ương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mư­ơi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Câu hỏi 3: Tôi làm việc tại công ty gia công may mặc ở Hưng Yên được 8 năm rồi, cuối năm tôi nghỉ việc thì tôi được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp mấy tháng? (Người hỏi: Ông Nguyễn Văn Hiến ở Bắc Ninh).

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp,cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Như vậy, trường hợp của ông Nguyễn Văn Hiến nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo quy định nêu trên.

Câu hỏi 4: Tôi làm việc cho một công ty TNHH tại Hà Nội được 7 năm. Hiện giờ tôi đã nghỉ việc do mắc bệnh cần điều trị dài ngày. Vậy xin hỏi, tôi có thể nhờ người khác thực hiện các thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp có được không? (Người hỏi: Bà Lê Thị Hạnh ở Hà Nội hỏi).

Trả lời:

- Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ nếu thuộc trường hợp ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn được ủy quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc trường hợp ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

Như vậy, nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng bị ốm đau thì có thể ủy quyền cho người khác đến trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 5: Trình tự, thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào? (Người hỏi: Ông Phạm Văn Mạnh ở Hòa Bình).

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gửi theo đường bưu điện thì ngày nhận hồ sơ được tính là ngày chuyển đến ghi trên dấu bưu điện.

Người lao động chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chụp sổ bảo hiểm xã hội để lưu hồ sơ.

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động; 01 bản đến người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì việc chi trả trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

+ Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.

Câu hỏi 6: Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? (Người hỏi: Ông Bùi Minh Hà ở Hà Nam hỏi).

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Như vậy, ông Bùi Minh Hà sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nêu trên.

Câu hỏi 7: Mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được quy định như thế nào? (Người hỏi: Ông Tạ Văn Hùng ở Hải Phòng).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính như sau:

- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Câu hỏi 8: Trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định như thế nào? (Người hỏi: Bạn Trịnh Thị Biên, Đồng Nai).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được thực hiện như sau:

- Người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động phải nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của đơn vị để thẩm định.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định tại Điều 3 Nghị định này và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trường hợp không hỗ trợ thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động.

Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ; 01 bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để báo cáo; 01 bản đến trung tâm dịch vụ việc làm; 01 bản đến người sử dụng lao động để thực hiện và 01 bản đến cơ sở dạy nghề cho người lao động trong trường hợp việc đào tạo không do người sử dụng lao động trực tiếp thực hiện. Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

- Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người sử dụng lao động theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định trên cơ sở thực tế của việc thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Câu hỏi 9: Thời gian và mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định như thế nào? (Người hỏi: Lê Xuân Hoa, Bình Định).

Trả lời:

1. Thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo phương án được phê duyệt và không quá 06 tháng.

2. Mức hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động:

- Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

- Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Câu hỏi 10: Trình tự, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào? (Người hỏi: Bà Nguyễn Thu Hà ở Hưng Yên).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trình tự, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

- Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ­ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

+ Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;

+ Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);

+ Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Khi nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị định này, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đi gửi thông báo về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến trừ trường hợp theo quy định tại Khoản 6 Điều 22 Nghị định này. Kể từ ngày người lao động nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện các quyền và trách nhiệm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Người lao động nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp quá thời hạn theo quy định tại Khoản 5 Điều 22 Nghị định này nhưng nhiều nhất không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động chuyển đến, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động kèm theo bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.

- Tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người lao động chuyển đến hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 11: Để được hỗ trợ học nghề bà phải đáp ứng đủ những điều kiện gì? Mức hỗ trợ học nghề và thời gian hỗ trợ học nghề được quy định như thế nào? (Người hỏi: Bà Hoàng Thị Hải ở tỉnh Hải Dương).

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về lao động thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.

Câu hỏi 12: Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời hạn nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào? (Người hỏi: Ông Hoàng Văn Vương ở Hà Nội).

Trả lời:

1. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó bao gồm nội dung cụ thể về tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.

Trường hợp người lao động đã giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 và đang thực hiện hợp đồng lao động này thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động này nếu thời hạn kết thúc hợp đồng còn ít nhất 03 tháng trở lên.

Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.

Câu hỏi 13: Tôi chuẩn bị xin nghỉ việc ở một công ty tại Hà Nội. Được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ người đăng ký thất nghiệp tham gia học nghề. Vậy xin hỏi trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ học nghề được quy định như thế nào? (Người hỏi: Bà Ngô Thị Đào ở Lào Cai hỏi).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện như sau:

- Người lao động đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề tại cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật về dạy nghề. Phương thức hỗ trợ kinh phí học nghề được thực hiện thông qua cơ sở dạy nghề.

- Người lao động có nhu cầu học nghề thì phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm.

+ Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;

+ Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp cho trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề.

- Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề và trao cho người lao động phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động.

Quyết định về việc hỗ trợ học nghề được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chi trả cho cơ sở dạy nghề; 01 bản đến cơ sở dạy nghề để thực hiện việc dạy nghề cho người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc hỗ trợ học nghề thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Trường hợp người lao động không được hỗ trợ học nghề thì trung tâm dịch vụ việc làm phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Đối với người thất nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định này khi được giải quyết hỗ trợ học nghề thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận đã giải quyết hỗ trợ học nghề vào sổ bảo hiểm xã hội và chụp 01 bản để lưu hồ sơ.

Trường hợp người lao động đã hưởng hết thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà vẫn tiếp tục học nghề hoặc chuẩn bị tham gia học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì vẫn được hỗ trợ học nghề cho đến hết thời gian học nghề.

- Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người lao động theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có trách nhiệm lập danh sách có chữ ký của người lao động đang học nghề chuyển cho tổ chức bảo hiểm xã hội để thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định.

Câu hỏi 14: Những trường hợp nào người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định? (Người hỏi Bà Lê Anh Thư ở Nghệ An).

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;

- Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;

- Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;

- Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo Mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư này và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.

Câu hỏi 15: Những trường hợp nào người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm? (Ông Nguyễn Văn Hoàng ở Khoái Châu, Hưng Yên).

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

- Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

Câu hỏi 16: Trong trường hợp nào thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp và sẽ được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp nào? (Bà Lưu Thu Trang ở Sơn La).

Trả lời

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật Việc làm và Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.

Câu hỏi 17: Tôi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp được 3 năm ở doanh nghiệp nước ngoài, nghỉ việc cách đây 2 tháng, thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp mấy tháng hết hạn? (Người hỏi: Ông Vũ Đình Hiệp ở Tp. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, thời gian nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo quy định nêu trên.

Câu hỏi 18: Tôi làm việc ở công ty may được 8 năm, giờ đã nghỉ việc và đang làm việc tại công ty khác.Vậy thời gian đóng BHTN của tôi có được cộng nối không? (Người hỏi: Chị Phạm Thị Hằng ở Ninh Giang, Hải Dương).

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hoặc đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, chị Hằng vào công ty mới và tiếp tục đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đó sẽ được cộng dồn cùng với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau này để tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Câu hỏi 19: Những trường hợp nào người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp? (Người hỏi: Ông Phạm Đạt ở Hải Phòng).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì các trường người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, bao gồm:

1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

2. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

3. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

4. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Câu hỏi 20: Tôi làm công nhân cơ khí cho 1 doanh nghiệp ở Bình Dương được hơn 5 năm và được công ty đóng BHXH BHTN. Sắp tới tôi sẽ nghỉ việc tại công ty này. Vậy xin hỏi tôi phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan nào? Các giấy tờ cần thiết gồm những gì? (Người hỏi: Ông Bùi Minh Hòa, Hà Nội).

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

- Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. (Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó).

+ Sổ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, ông Bùi Minh Hòa sau khi chấm dứt hợp đồng lao động nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi ông muốn nhận trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 21: Tôi làm việc tại 1 doanh nghiệp ở Hà Nội và có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 8 năm. Vì lý do cá nhân nên sắp tới tôi sẽ xin nghỉ việc. Xin hỏi tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào so với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp? (Người hỏi: Ông Lê Minh Tân, Bình Định).

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Như vậy, nếu người lao động đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo quy định nêu trên.

Câu hỏi 22: Trong quá trình làm việc, doanh nghiệp vẫn trừ vào khoản lương của người lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp này nếu người lao động thất nghiệp và không được hưởng chế độ thất nghiệp thì người lao động có quyền khiếu kiện doanh nghiệp không? Cơ quan nào sẽ giải quyết vấn đề này? (Người hỏi: Ông Nguyễn Xuân Tuấn ở Hưng Yên).

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ và kịp thời theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu; cung cấp bản sao hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc xác nhận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc cho người lao động chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 35; Khoản 15 Điều 36 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì tổ chức bảo hiểm xã hội có quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 6 Điều 37 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có quyền theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo hiểm thất nghiệp thì anh Tuấn có quyền khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp đó với các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định nêu trên để giải quyết. Trình tự, thủ tục khiếu nại tố cáo theo quy định tại Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn.

Câu hỏi 23: Tôi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tỉnh Phú Yên, giờ tôi có nhu cầu học nghề lái xe, nếu mức chi phí học lái xe cao hơn mức chi phí học nghề theo quy định của pháp luật thì tôi có được hỗ trợ không? (Người hỏi: Ông Tạ Văn Bình ở Phú Yên).

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề thì phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Như vậy, ông Tạ Văn Bình trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ học nghề và nếu ông tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do ông tự chi trả theo các quy định nêu trên.

Câu hỏi 24: Tôi có con mới được tuyển dụng vào làm việc ở một công ty tại Bắc Ninh. Nghe nói ngoài chế độ hợp đồng lao động, cháu nhà tôi có thể được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Vậy xin hỏi, theo quy định hiện nay thì những đối tượng nào bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp? (Người hỏi: Ông Tạ Văn Hào ở Hà Nội).

Trả lời:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1, 2 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động giao kết và đang thực hiện một trong các loại hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nêu trên nhưng đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm thì người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm.

Câu hỏi 25: Người sử dụng lao động phải đảm bảo những điều kiện gì để được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động? (Người hỏi: Ông Mã Văn Tuấn, Sơn La).

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thì người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

- Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc làm