Nghệ An
Gian nan đào tạo nghề cho người khuyết tật
(Dân trí) - “Đào tạo nghề cho người khuyết tật khó gấp trăm lần dạy nghề cho người bình thường. Nhưng làm thế nào để các em sống được với nghề, đó thực sự là một vấn đề nan giải”, ông Phan Bùi Hải - GĐ TT dạy nghề cho người tàn tật tỉnh Nghệ An cho biết.
Nghệ An hiện có 220.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi, trong đó 73.000 người bị khuyết tật bẩm sinh, hậu quả chiến tranh chiếm hơn 52.000 người, các dạng khuyết tật vận động khoảng 60.000 người, khuyết tật thị giác, thính giác chiếm hơn 71.000 người. Hầu hết người khuyết tật đều thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn.
Sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội đã giảm bớt phần nào khó khăn cho người khuyết tật. Làm thế nào để người khuyết tật có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội luôn là một bài toán khó. Nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người tàn tật rất lớn thế nhưng hiện tại, Nghệ An mới chỉ có duy nhất một trung tâm đào tạo nghề cho các đối tượng này. Thế nhưng, trung bình mỗi năm, trung tâm này chỉ đào tạo nghề được cho hơn 200 người tàn tật, chủ yếu ở lứa tuổi từ 13 đến dưới 30 tuổi. Việc đào tạo nghề cũng chỉ xoay quanh các nghề truyền thống như may mặc, thêu, mộc dân dụng, tin học văn phòng. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng số người khuyết tật sau khi kết thúc khóa học có thể tự lao động độc lập không nhiều, họ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều đến sự trợ giúp của người thân và các đồng nghiệp trong quá trình làm việc.
Mặc dù đã được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng hiện nay, đào tạo nghề cho người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Phan Bùi Hải - Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật tỉnh Nghệ An, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có chuẩn chương trình đào tạo nghề cho từng loại khuyết tật. Hiện tại, từ chương trình đào tạo nghề chung, các giáo viên nơi đây phải tự xây dựng riêng cho mình giáo án giảng dạy. Bên cạnh đó, quy định về thời gian đào tạo nghề đã “gây khó” cho việc đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - giáo viên dạy thêu của Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Đặc thù của đào tạo nghề cho người khuyết tật là cầm tay chỉ việc, là giúp các em bắt chước hành động của mình để lâu dần công việc này trở thành thói quen của các em. Công việc này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Hiện tại, theo từng hình thức đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp sẽ có quy định cụ thể về thời gian học. Thế nhưng đối với người khuyết tật, việc dạy nghề và giúp các học viên thành thạo với nghề phải mất thời gian gấp 3-4 lần, thậm chí còn hơn thế rất nhiều. Thế nhưng nếu kéo dài thời gian đào tạo, chúng tôi sẽ vi phạm Luật lao động và các quy định về dạy nghề”.
Những khó khăn này đang được chính những người trong cuộc tìm cách khắc phục thế nhưng nỗi lo lớn nhất đối với họ là sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề, không phải học viên nào cũng có thể kiếm sống được bằng chính cái nghề đã được học. Đó cũng là nỗi lo chung của các học viên đang theo học nghề tại đây. Em Nguyễn Thị Nga (SN 1996, quê Yên Thành, Nghệ An) chia sẻ: “Hiện tại em đã học nghề may tại Trung tâm hơn 1 năm nhưng học xong cũng không biết xin vào đâu để làm việc. Giờ người bình thường xin được việc còn khó huống nữa là người tàn tật. Em chỉ mong có được một công việc để có thể tự nuôi sống mình, bớt gánh nặng cho mẹ và anh trai”. Mỗi năm Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật tỉnh Nghệ An đào tạo khoảng 200 học viên thế nhưng chỉ một phần nhỏ các em tìm được việc làm tại một số doanh nghiệp “kết nghĩa” với Trung tâm, các hiệu may tư nhân…
“Hiện tại chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho các em nhưng phải thừa nhận là rất khó. Hiện tại chúng tôi chỉ có cách nhận một khâu nào đó trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp may mặc về cho các em làm. Vừa tạo điều kiện cho các em được thực hành nhiều hơn, vừa giúp các em có thêm thu nhập. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu, về dài chúng tôi vẫn đang rất “bí”, ông Phan Bùi Hải cho biết thêm.
Hoàng Lam