Giám đốc Sở giải trình chuyện "lái xe Grab giờ cũng học đại học"
(Dân trí) - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, do tư tưởng "thích phổ cập đại học" nên đến các lái xe Grab bây giờ cũng học đại học. Việc tuyên truyền đào tạo nghề do đó cũng... bất thuận.
Lao động trẻ thờ ơ với việc làm ổn định
Ngày 12/12, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, các đại biểu đã thảo luận về chính sách đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Đại biểu Trương Minh Hải (quận Thanh Khê) ghi nhận, năm qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm và đạt được những kết quả tốt, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho nhóm lao động yếu thế.
Tuy nhiên, đại biểu Hải đánh giá, công tác giải quyết việc làm còn có những khó khăn, hạn chế. Đó là cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động và phục vụ cho nhu cầu phát triển của thành phố, tình trạng thiếu lao động cục bộ vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa chặt chẽ. Tỷ lệ người lao động trúng tuyển thông qua các phiên giao dịch việc làm chưa nhiều, đạt dưới 10%.
Ngoài ra, thông tin thị trường lao động việc làm chưa phổ biến rộng rãi. Một bộ phận người lao động, nhất là lao động trẻ, còn thờ ơ với tìm kiếm việc làm, ổn định tại các doanh nghiệp, chỉ quan tâm đến công việc thời vụ.
Việc đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động của nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức.
Theo đại biểu Hải, các dự án trên địa bàn cũng chưa quan tâm ưu tiên tuyển dụng người lao động tại địa phương. Việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng.
Khi lái xe Grab cũng học đại học
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, khái quát thành phố đã có nhiều chính sách để phát triển dạy nghề, phối hợp với các quận, huyện, địa phương tổ chức chương trình tư vấn, định hướng cho học sinh, đặc biệt lớp 9-12.
Đơn vị cũng chỉ đạo các cơ sở dạy nghề kết nối với các trường THPT trên địa bàn thành phố để tuyên truyền. Theo số liệu, tới năm 2023, có khoảng 17.366 em thi cấp 3, trong đó có 14.866 em đậu cấp 3. Trong số khoảng 2.500 em không đậu cấp 3, có 1.779 em học nghề, 288 em không học nghề.
"Tỷ lệ người học nghề ở lớp 9 theo như khảo sát là cao, cho thấy công tác tuyên truyền dạy nghề đã tới được với các em", ông Hoàng nhấn mạnh.
Về công tác đào tạo, thành phố có 61 trường nghề, cơ sở giáo dục, đào tạo. Năm 2024, các trường tuyển được khoảng trên 33.000/46.000 vị trí tuyển sinh, đạt trên 70%.
Cũng theo ông Hoàng, tháng 7, hội đồng nhân dân cũng thông qua nghị quyết để thêm chính sách cho học sinh lớp 9 vào học nghề được tiếp tục học văn hóa tại chỗ để có bằng cấp 3 (THPT).
Đồng quan điểm với đại biểu Minh Hải, ông Hoàng thừa nhận còn những hạn chế trong công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân đối với lựa chọn học nghề.
Ông Hoàng cho rằng, điểm đầu vào của các trường đại học hiện nay thấp nên nhiều gia đình vẫn chọn cho con đi học. "Tâm lý xã hội nhìn chung vẫn là thích phổ cập đại học, cho nên là người lái xe Grab bây giờ cũng học đại học hết. Vì thế, việc phân luồng, định hướng học nghề rất khó tiếp cận người học và gia đình", ông Hoàng giải thích.
Một khó khăn nữa là trang thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề mới ở các trường chưa chuẩn bị kịp. Ông Hoàng nêu thách thức thực tế, một ngành, nghề đào tạo mở ra nhiều khi chỉ 3 năm đến 5 năm là lạc hậu.
Về nhiệm vụ, ông Hoàng cho hay, sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố triển khai kế hoạch dạy nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các địa phương và phụ huynh.
Trong đó, ông Hoàng nhấn mạnh, các địa phương phải tính toán chia nhóm để tuyên truyền cho phù hợp. "Học sinh có năng lực trung bình, cộng thêm điều kiện gia đình hạn chế, chọn học đại học sẽ tốn kém, lãng phí. Địa phương phải tính toán để làm sao tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng", ông Hoàng kiến giải.