Gen Z chinh phục thế giới rượu vang, đầu quân nhà hàng sao Michelin

Dân trí

(Dân trí) - Tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản trị khách sạn, Hoàng Phương Linh trở thành một chuyên gia rượu vang trẻ tuổi, làm việc tại nhà hàng cao cấp của đầu bếp đạt sao Michelin.

Dấu ấn trên hành trình làm nghề

Hoàng Phương Linh (23 tuổi) hiện là trợ lý quản lý kiêm chuyên gia rượu vang tại một nhà hàng cao cấp ở Sydney, Úc. Nữ nhân sự người Việt tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản trị khách sạn tại Trường Quản lý khách sạn quốc tế Blue Mountains. 

Hoàng Phương Linh là một trong những thí sinh trẻ nhất đạt chứng chỉ ở mức chuyên nghiệp (cấp độ thứ hai) cấp bởi CMS, tổ chức quốc tế xác định các tiêu chuẩn cho dịch vụ và đào tạo về rượu vang. Chứng chỉ này mở ra nhiều cơ hội trong ngành rượu vang cho cô gái.

Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Hoàng Linh là khi làm việc tại một nhà hàng cao cấp bậc nhất Sydney, thuộc sở hữu của đầu bếp nổi tiếng có sao Michelin, nơi mọi thứ đều rất chỉn chu và chuyên nghiệp.

Gen Z chinh phục thế giới rượu vang, đầu quân nhà hàng sao Michelin - 1

Hoàng Phương Linh tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản trị khách sạn (Ảnh: NVCC).

Cô gái Việt Nam đã trải qua hành trình đầy nỗ lực, từ việc đào tạo và thực tập tại các nhà hàng giả định và khách sạn 5 sao khi còn đi học đến lúc làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng buffet và bộ phận yến tiệc của các khách sạn. 

Trong kỳ thực tập thứ hai, Linh được tuyển vào một nhà hàng cao cấp đang trong giai đoạn khởi nghiệp, đảm nhiệm vị trí quản lý. 

Cô gái đã một tay xây dựng quy trình phục vụ và thực đơn đồ uống, nhưng do thiếu kinh nghiệm về rượu nên nhờ tới chuyên gia tham vấn. Sự đam mê và kiến thức của những chuyên gia được tiếp xúc đã thúc đẩy nữ nhân sự trẻ học thêm về lĩnh vực này. 

Biến áp lực thành động lực

Sau khi có chứng chỉ hành nghề, Hoàng Phương Linh vào việc với vị trí chuyên gia rượu vang tập sự tại khách sạn Shangri-la, sau đó chuyển sang một nhà hàng cao cấp và hiện là quản lý rượu tại một nhà hàng ở Sydney. 

Cô gái từng có khoảng thời gian khó khăn trong sự nghiệp khi làm việc tại một nhà hàng có tới 1.600 nhãn hiệu rượu và không dùng công nghệ quản lý. Cô phải tự ghi nhớ vị trí các chai rượu, cập nhật hàng tuần khi có rượu mới. 

Phải tiếp xúc với rượu đến từ khắp nơi trên thế giới, khi đó, Hoàng Linh đã rất bỡ ngỡ. Dù đã có 1 năm kinh nghiệm và chứng chỉ cơ bản để hành nghề, chị vẫn tự ti, cảm thấy kém cỏi, sợ đồng nghiệp nghĩ rằng mình không đủ khả năng làm công việc đòi hỏi trình độ chuyên gia như vậy.

Để vượt qua, cô gái dành 2 giờ mỗi ngày tìm hiểu về các nhà rượu, tham gia các buổi thử rượu vào ngày nghỉ và trước giờ làm, liên tục đặt câu hỏi với quản lý để học hỏi thêm. 

Ngoài ra, làm việc với những đồng nghiệp có 15-20 năm kinh nghiệm, áp lực lớn nhưng cũng chính là động lực để chị học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Vị trí quản lý đã giúp cô tiến xa hơn trên hành trình làm nghề.

Gen Z chinh phục thế giới rượu vang, đầu quân nhà hàng sao Michelin - 2

Hoàng Linh (thứ hai từ phải sang) và đồng nghiệp (Ảnh: NVCC).

Ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 11h với việc kiểm tra và bổ sung rượu, họp với nhân viên, giới thiệu, bán rượu và kết hợp rượu với món ăn cho thực khách. Giữa ca trưa và tối, cô làm sổ sách hoặc họp và nghỉ lúc 16-17h. Ca làm kết thúc vào 23h, sau khi tổng kết lượng rượu bán trong ngày và kiểm tra hầm rượu.

Dù yêu nghề, nữ quản lý người Việt nhiều lần muốn bỏ cuộc do công việc đòi hỏi làm 12-14 giờ mỗi ngày, khiến cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ước mơ quay về Việt Nam để đào tạo về rượu giúp cô tiếp tục theo đuổi.

Cô gái chia sẻ, văn hóa rượu vang xuất phát từ phương Tây nên người châu Á như cô gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận. 

Đầu tiên là việc nếm và ngửi rượu, do không được tiếp xúc nhiều từ nhỏ nên không dễ để cô gái phân biệt các loại vang. Việc miêu tả rượu cũng gặp khó khăn vì ở nước ngoài có nhiều hương thơm, gia vị không phổ biến tại Việt Nam. 

Đòi hỏi khác với người thử, quản lý rượu là phải giỏi ngoại ngữ để đọc lượng lớn tài liệu, biết tên các vùng trồng nho bằng tiếng Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha…Chi phí học chứng chỉ và mua rượu để luyện tập cũng là bài toán đầy thách thức.

Hoàng Linh chia sẻ, bản thân nhận thấy, định kiến phụ nữ châu Á không uống rượu ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Cô thường xuyên nhận được câu hỏi "bạn có uống rượu không?" từ khách hàng. 

Một suy nghĩ thông thường khác là người có kinh nghiệm về rượu vang phải đứng tuổi, nên khách khó tin tưởng lời tư vấn từ một gương mặt "trẻ măng" như Linh. Song cô lại thấy những định kiến này khiến mình đặc biệt hơn. Cô đã đặc biệt vui khi một vài khách nói rằng, chưa thấy ai còn trẻ mà có thể miêu tả rượu như Linh.

Cô gái Việt luôn tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng và khéo léo xoay chuyển tình huống khi họ không hài lòng. 

Một kỉ niệm đáng nhớ với cô là khi "chỉnh" góc nhìn của khách về rượu vang Úc. Khách ban đầu chỉ thích rượu Pháp, nhưng sau khi được giới thiệu các dòng vang Úc hợp khẩu vị đã rất hứng thú. Nhóm khách sau đó trở thành khách quen của nhà hàng, thậm chí còn mang quà tặng nữ quản lý rượu người Việt mỗi lần ghé thăm.

Cam Ly