Gần 600 người lao động tham gia học nghề
Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), qua 6 tháng đầu năm có 594 lao động tham gia các khoá học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này chiếm 72 % trong tổng số người nhận quyết định hỗ trợ học nghề.
Thay đổi chất lượng học nghề
Nhận định chung, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng công tác đào tạo nghề cho người thất nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt là sau khi Luật Việc làm ra đời, Chính phủ đã có thay đổi về mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp nói chung.
Quy trình đào tạo cũng như thủ tục thanh quyết toán chi phí đào tạo nghề đã có nhiều thay đổi tích cực. Do vậy, số lượng và chất lượng của việc học nghề ngày càng nâng cao và hiệu quả hơn trước đây.
Được biết, Trung tâm hiện phối hợp tư vấn cho người lao động đăng ký thất nghiệp học nghề tại 9 cơ sở đào tạo nghề thuộc trung tâm. Các ngành nghề được người lao động lựa chọn chủ yếu như: Kỹ thuật nấu ăn (31,4%), Lái xe ô tô hạng B2 và C (23 %), kỹ thuật pha chế đồ uống (18,2%), tin học văn phòng (11,2%)…
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sau 6 tháng triển khai, đã có gần 120 người tham gia khoá học đã tìm được việc làm sau khi kết thúc học nghề. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp đã đăng ký học nghề nhưng không đến nhận quyết định hỗ trợ học nghề, hoặc đã đến nhận quyết định nhưng không tham gia các khoá học nghề.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng: Người lao động chủ yếu đã tìm được việc làm mới trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề, do đó họ không tham gia tiếp các khoá học.
Cần nhiều điều chỉnh
Mặc dù có nhiều điểm tích cực hơn trước đây nhưng trong triển khai công tác dạy nghề vẫn còn một số bất cập. Điều này khiến cho tỉ lệ tham gia học nghề còn chưa cao. Theo ông Lê Hải Anh - Phó Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội), hiện nay số lao động thất nghiệp tại Hà Nội khá đông và đa số có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học và trên đại học. Do vậỵ khi thất nghiệp, người lao động không có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp đang làm.
Trong thời gian tới, ông Lê Hải Anh đề nghị các cơ quan chức năng đa dạng hoá thêm ngành nghề đào tạo cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Thay vào đó, họ có nhu cầu nâng cao trình độ kỹ năng làm việc hoặc các kỹ năng, đào tạo khởi nghiệp, các khoá học chuyên sâu để sớm tìm được việc làm bằng chính nghề đã được đào tạo, đáp ứng nhu cầu của công việc” - ông Lê Hải Anh nói.
Cũng theo ông Lê Hải Anh, do nhu cầu khác nhau nên người thất nghiệp còn đăng ký ở nhiều ngành nghề và ở nhiều cơ sở dạy nghề. Điều này khiến cho thời gian chờ để ghép đủ học viên tham gia 1 lớp dạy nghề kéo dài. Trong khi đó, người lao động chờ đợi lâu quá sẽ không còn nhu cầu học nghề nữa.
Mặt khác, về nội dung các khoá học vẫn chủ yếu phục vụ đối tượng thất nghiệp có trình độ thấp và trung bình với các nghề mới hoặc mức sơ cấp cho người lao động phổ thông.
Theo ông Lê Hải Anh, nhiều khóa học kỹ năng mềm hoặc khởi nghiệp được người thất nghiệp quan tâm. Các khoá học nghề có thời gian ngắn nhưng chi phí không nhỏ. Trong khi đó, với mức hỗ trợ học nghề nghiệp nay chỉ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng thì sẽ khó cho người thất nghiệp có nhu cầu.
“Người mất việc làm đang phải sống dựa 1 phần vào khoản trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, việc phải chi thêm 1 khoản để tham gia các lớp học này là không nhiều. Cơ hội tham gia học các lớp đào tạo trên sẽ ít đi” - ông Lê Hải Anh nói.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
BHXH VN: Hơn 11,2 triệu người tham gia BHTN
Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng qua đạt 11,277 triệu người, chiếm 93,6% kế hoạch giao, tăng 294 nghìn người so với đầu năm 2017 và tăng 791 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, tổng số thu bảo hiểm thất nghiệp qua 6 tháng đầu năm 2017 là 6.156 tỷ đồng, đạt 47,6% kế hoạch giao, tăng 749 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh kết quả đạt được, BHXH VN cũng thẳng thắn nhìn nhận kết quả phát triển đối tượng qua 6 tháng đầu năm 2017 mới đạt: 294.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 93,6% kế hoạch giao. Phân tích về nguyên nhân, BHXH VN cho rằng, điểm cơ bản là do thức chấp hành pháp luật bảo hiểm thất nghiệp của một số chủ sử dụng lao động chưa cao. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có tỉ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng lớn của người lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. “Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp không đăng ký, chậm đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” - ông Trần Đình Liệu cho biết.
L.T
Thái Nguyên: Hơn 2.400 người nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
Qua 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên (Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên) đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.430 người, làm hồ sơ mở 2 văn phòng đại diện tại nơi có lao động thất nghiệp đông. Trung tâm còn tập trung công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động.
Theo bà Phạm Như Thuỳ - Giám đốc Trung tâm dich vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên), Thái Nguyên hiện có 3.825 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn. Trong đó, số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 3.642 đơn vị. Cũng qua 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.589 người. Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.430 người. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.589 người. Điểm nhấn trong hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên là việc đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH mở thêm 2 văn phòng đại diện tại thị xã Phổ Yên và huyện Phú Lương, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách BHNT.
N.T