1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi:

Gần 30 tỷ dồng đào tạo nghề phải trả lại: Có tiền không tiêu được!

Quốc Triều

(Dân trí) - Do gặp khó trong việc đào tạo nghề, nhiều huyện miền núi tại Quảng Ngãi phải trả lại hàng chục tỷ đồng được phân bổ.

Năm 2022-2023, huyện Sơn Hà và Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) được phân bổ 31,2 tỷ đồng thực hiện chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động miền núi.

Tuy nhiên, 2 huyện này chỉ giải ngân được 2,6 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 28,6 tỷ đồng được các đơn vị này xin trả lại cho tỉnh, đồng thời xin điều chỉnh nguồn vốn cho những năm tới.

Trong thời gian qua, huyện Trà Bồng tổ chức 8 lớp đào tạo nghề với 160 học viên. Trong khi đó, huyện Sơn Hà không tổ chức được lớp nào.

Nguyên nhân công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở miền núi gặp khó là do nhu cầu học nghề ít, người học không mặn mà khi thời gian học kéo dài 3 tháng. Trong khi người học nghề chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày.

Gần 30 tỷ dồng đào tạo nghề phải trả lại: Có tiền không tiêu được! - 1

Hoạt động không hiệu quả nên Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà được chuyển giao cho đơn vị khác sử dụng (Ảnh: Quốc Triều).

Theo ông Từ Thanh Kiều, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hà, từ năm 2022 đến nay, phòng chưa tổ chức được các lớp đào tạo nghề. Nguyên nhân do đơn vị không có chuyên môn mở lớp, trung tâm đào tạo nghề đã giải thể nên gặp nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu đào tạo nghề cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 400 lao động. Chỉ tiêu này quá lớn nên huyện không thể đảm đương.

Bên cạnh đó, các huyện miền núi thực hiện cùng lúc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình này có nguồn vốn lớn, đều liên quan đến đào tạo nghề, cho nên nhiều địa phương không thể thực hiện song song.