Đường dây dùng phiếu lĩnh lương hưu “rởm” mang cầm cố

TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đưa ra xét xử vụ án Hồ Văn Nhớ cùng 8 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả, sử dụng tài liệu của cơ quan, tổ chức” với tổng mức án gần 50 năm tù.

Các bị cáo trong vụ án gồm Hồ Văn Nhớ (41 tuổi), Lê Văn Tên (70 tuổi), Lê Hồng Nổi (58 tuổi), Hồ Văn Thiêm (65 tuổi), Nguyễn Anh Thái (64 tuổi), Hồ Văn Thế (80 tuổi), Lê Văn Ta (48 tuổi), Hồ Văn Lực (63 tuổi) và Vũ Đình Phương (70 tuổi, cùng ngụ huyện A Lưới).

Cú lừa của cán bộ chi trả lương hưu

Bị cáo Nhớ là cán bộ Bưu điện huyện A Lưới, được phân công phụ trách chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho người dân và cán bộ hưu trí 3 xã ở A Lưới. Từ năm 2015, Nhớ cần tiền tiêu xài nên đã vay tiền của một số đối tượng (không rõ họ tên), dẫn đến mắc nợ một số tiền lớn. Nhớ thậm chí không thể nhớ cụ thể mình nợ bao nhiêu.

Đến tháng 6/2016, do không có tiền trả nợ, Nhớ đã nảy sinh ý định lừa đảo. Quá trình làm việc, Nhớ biết có một số cán bộ hưu trí đưa phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH đi cầm cố để vay tiền một số người dân trên địa bàn rồi hàng tháng dùng chính lương hưu này để trả. 

Đường dây dùng phiếu lĩnh lương hưu “rởm” mang cầm cố - 1

Các bị cáo bị tuyên phạt tổng cộng 50 năm tù.
 

Nhớ dò hỏi một số người cho vay tiền thì biết được họ sẽ cho vay nhưng phải có phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH thế chấp cầm cố, hàng tháng phải trả tiền gốc và lãi.

Thời gian này, với chức trách nhiệm vụ của mình, hàng năm Nhớ đều được cơ quan giao quản lý, sử dụng phôi phiếu lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH (chưa ghi các thông tin cá nhân cụ thể, nhưng đã có chữ ký và đóng dấu của thủ trưởng đơn vị) của tất cả cán bộ hưu trí và người hưởng trợ cấp BHXH thuộc 3 xã Nhớ phụ trách. 

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Nhớ tự mình ghi giả các thông tin cá nhân của một người nào đó vào phôi phiếu gồm 4 mục: tên, địa chỉ, số phiếu, số tiền được chi trả hàng tháng.

Tiếp đó, Nhớ tìm các đối tượng Tên, Nổi, Thiêm, Thái, Phương, Thế (đều là những người dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới và trong độ tuổi nghỉ hưu sao cho gần giống với thông tin của người ghi trong phiếu do Nhớ bịa ra trước đó). Nhớ bày cho họ cách đóng giả làm người có tên trong phiếu. 

Ban đầu, Nhớ trực tiếp đưa họ đến gặp những người cho vay tiền, nói dối là cần vay tiền để trồng cây, xây nhà… và sẽ cầm cố bằng phiếu của mình, hàng tháng trả tiền gốc và lãi. Mỗi phiếu vay 30-50 triệu đồng, trả hàng tháng 4-5 triệu đồng, trả thành 12 tháng (tương đương lãi suất 20%/ năm). 

Để làm tin, mỗi người vay tiền đều phải viết giấy vay mượn tiền với người cho vay nên Nhớ, Tên, Nổi, Thiêm, Thái, Phương và Thế khi đóng giả làm người đi vay tiền đều phải trực tiếp viết và ký vào mục người vay tiền.

Đồng thời, để người cho vay tin tưởng mình (hoặc tin tưởng vào những đối tượng mà Nhớ cho đóng giả tới vay tiền), Nhớ đã lấy danh nghĩa là cán bộ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của Bưu điện huyện A Lưới để đứng ra ký vào mục người làm chứng trong giấy vay mượn tiền, nhằm đảm bảo (giả) cho việc trả tiền gốc và lãi hàng tháng của người vay. 

Mặt khác, Nhớ còn thỏa thuận mình sẽ là người đứng ra trả tiền gốc và lãi vay hàng tháng theo giấy vay tiền cho các chủ nợ đúng hạn, những người đi vay tiền không phải là người trả. Vì thế, những người cho vay tiền đều tin là thật, không nghi ngờ gì. 

226 lần gây án

Trước thủ đoạn này, người cho vay tiền không hề nghi ngờ gì, luôn đồng ý cho vay số tiền theo yêu cầu của Nhớ. Những lần vay này thì Tên, Nổi ký vào mục người làm chứng (vì trước đó Tên, Nổi đã sử dụng tên giả của mình trong phiếu vay tiền), người được thuê ký vào mục người vay tiền.

Sau khi chiếm đoạt được tiền, người được thuê đưa tiền về cho Tên, Nổi, rồi Tên, Nổi lại đưa về cho Nhớ và được Nhớ trả công từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/lần. Tên, Nổi dùng tiền này trả công tiếp cho các đối tượng đóng thế từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/lần. 

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được Nhớ sử dụng để trả nợ vay trước đó, tiêu xài cá nhân và dành một phần để trả tiền lãi hàng tháng cho người bị hại đầy đủ theo thỏa thuận nên không ai phát hiện ra, mà còn tiếp tục cho Nhớ (hoặc đồng bọn) vay tiếp.

Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2018, Nhớ và đồng bọn chiếm đoạt tiền của 5 bị hại với tổng số tiền trên 11 tỷ. Trong đó Nhớ thực hiện 226 lần, chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng. Tên thực hiện 188 lần, chiếm đoạt được hơn 9,3 tỷ đồng.

Nổi thực hiện 50 lần, chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng. Thái thực hiện 3 lần, chiếm đoạt 140 triệu đồng. Thêm thực hiện 4 lần, chiếm đoạt 180 triệu đồng. Thế thực hiện 2 lần, chiếm đoạt 70 triệu đồng. Ta thực hiện 1 lần, chiếm đoạt 50 triệu đồng. Phương thực hiện 1 lần, chiếm đoạt 50 triệu đồng.

Tại phiên xử, bị cáo Lê Hồng Nổi và Hồ Văn Thế xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe, tuy vậy đại diện VKSND tỉnh nhận thấy vẫn đủ điều kiện nên đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số nên được sự hỗ trợ từ các chuyên viên từ trung tâm hỗ trợ pháp lý nhà nước tỉnh.   

Sau khi xét xử, tòa đã tuyên phạt Nhớ 17 năm tù; Tên 14 năm; Nổi 9 năm; Thiêm 2 năm 6 tháng tù; Thái 3 năm; Thế 1 năm 3 tháng tù. Ta, Lực và Phương 1 năm tù treo. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của những người bị hại.