“Đừng thuê tôi” - sai lầm nào của bạn đã nói với nhà tuyển dụng?
(Dân trí) - Tìm kiếm một công việc ưng ý chưa bao giờ là dễ dàng. Một vị trí tuyển dụng bao giờ cũng có hàng trăm hồ sơ “xếp hàng”... Thật đáng tiếc, đôi khi bạn đánh rơi mất cơ hội của mình chỉ vì những sai lầm không đáng có.
10 dấu hiệu dưới đây giúp bạn tránh mắc phải những sai lầm ấy - những sai lầm mà chỉ cần vô tình mắc phải bạn đã ngầm tuyên bố với nhà tuyển dụng rằng: “Đừng thuê tôi”.
1. Thiếu phần thông tin liên lạc trong CV
Khi xây dựng CV, dĩ nhiên bạn cần tập trung làm nổi bật những kỹ năng liên quan đến vị trí tuyển dụng và những thành tựu bạn đã đạt được ở những công việc trước. Nhưng những thế mạnh đó của bạn dùng để làm gì khi nhà tuyển dụng không thể liên lạc được với chủ nhân của nó. Nếu họ không tìm ra bạn, chắc chắn họ sẽ không tuyển bạn. Chính vì thế đừng quên cung cấp đầy đủ địa chỉ nhà, số điện thoại nhà, điện thoại di động và email để nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn một cách dễ dàng. Công việc tưởng chứng như rất đơn giản này nhưng rất nhiều ứng viên vì quá quan tâm đến những phần quan trọng khác của bản CV mà quên đi thật đáng trách.
2. Khoảng trống khá lớn giữa các công việc trong quá khứ
Một khoảng cách thời gian khá lớn giữa các công việc trong quá khứ sẽ khiến nhà tuyển dụng đặt ra một câu hỏi lớn. Chính vì thế với khoảng trống thời gian dài hơn 3 tháng giữa hai công việc - khoảng trống đó cần ở bạn một lời giải thích hợp lý. Đừng ngần ngại giải thích điều này trong CV hoặc trực tiếp với nhà tuyển dụng: Đó là khoảng thời gian cần thiết để bạn tự củng cố một kỹ năng, kiến thức nào đó, hay đó là khoảng thời gian cần thiết để bạn lấy lại thăng bằng trong cuộc sống sau một thời gian làm việc căng thẳng và mệt mỏi…
3. Bạn không chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn
Thế nào là không chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn? Bạn không nghiên cứu tìm hiểu về công ty đó, bạn không chuẩn bị sẵn những câu hỏi sẽ hỏi nhà tuyển dụng, bạn không mang theo một bản copy CV của mình khi đi phỏng vấn, bạn không tìm hiểu trước về địa điểm phỏng vấn và đến muộn…đó là những dấu hiệu cho thấy bạn chưa chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn. Chỉ cần bỏ ra chút thời gian bạn sẽ chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn của mình không mấy khó khăn: tìm hiểu thông tin về công ty thông qua internet, chuẩn bị trả lời cho những câu hỏi mà bạn dự đoán nhà tuyển dụng sẽ hỏi, chuẩn bị sẵn những câu hỏi bạn sẽ hỏi họ để tìm hiểu thêm về công ty và vị trí tuyển dụng. Bạn đầu tư cho cuộc phỏng vấn của mình càng nhiều, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận bạn một cách nghiêm túc hơn.
4. Bạn không cung cấp bất kể một thông tin tham khảo nào
Bỏ qua việc cung cấp thông tin của người tham khảo sẽ khiến nhà tuyển dụng suy ra rằng bạn không có bất kỳ ai có thể nói những điều tích cực về bạn. Phải chăng bạn không tự tin khi để ai đó nói về mình? Mặc dù thực tế là bạn chỉ quên cung cấp cho họ thông tin về người có thể xác nhận cho bạn. Để tránh những suy diễn tiêu cực đó từ nhà tuyển dụng hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp cho họ ít nhất một người có thể nói thay cho bạn về bản thân mình.
5. Nói về những điều tiêu cực từ việc làm trước đây
Bạn có vô vàn những điều bức xúc khi nói về công việc đã qua, những mối quan hệ đồng nghiệp đã qua…nhưng vị sếp tương lai không có nghĩa vụ phải lắng nghe những bức xúc đó của bạn. Có hàng trăm cách để biến những điều tiêu cực, những bức xúc về công việc cũ thành những điều mang tính tích cực. Chẳng hạn: “Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ công việc cũ. Tôi muốn tìm kiếm một công việc mới với những cơ hội thăng tiến và thành công trong tương lai”…
6. Bạn nhảy việc quá nhiều
Nhảy việc có vẻ là một xu hướng trong thời gian gần đây. Sẽ rất hiếm trường hợp làm việc cho một vị trí, một công ty trong khoảng từ 10-20 năm. Nhảy việc có thể là một cơ hội tốt cho bạn tìm kiếm được sự phát triển và thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên nhảy việc quá nhiều trong một thời gian ngắn sẽ khiến cho nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không có lòng trung thành, không có cam kết nghề nghiệp, không có bản lĩnh vượt qua khó khăn hoặc bạn không có đủ năng lực để đảm nhận bất cứ việc gì. Nếu bạn đã từng trải qua quá nhiều công việc trong một thời gian ngắn, hãy chọn những công việc mà bạn cho là thích hợp nhất để viết vào bản CV, bên cạnh đó cũng chuẩn bị sẵn những lời giải thích.
7. Những câu trả lời không nhất quán trong cuộc phỏng vấn
Một trong những chiến thuật được sử dụng bởi các nhà tuyển dụng là hỏi các ứng viên cùng một câu hỏi với những cách khác nhau. Đây là cách nhà tuyển dụng kiểm tra độ thành thật của ứng viên. Trả lời một cách chân thành trong toàn bộ quá trình là con đường tốt nhất để đi, tránh gặp phải những “cái bẫy” đáng tiếc.
8. Thiếu linh hoạt
Hầu hết chúng ta đều biết rằng mong muốn của nhà tuyển dụng và các ứng viên thường không hoàn toàn ăn ý nhau ở những nội dung như: quyền lợi, chế độ, thời gian làm việc…Nhà tuyển dụng luôn đưa ra lý lẽ: “Hãy cho tôi biết anh đã là được gì trước khi đòi hỏi…”, còn người lao động luôn giữ trong mình ý nghĩ: “Hãy cho tôi biết tôi sẽ nhận được gì trước khi yêu cầu tôi cống hiến”…Nếu bạn không thể linh hoạt trong việc thương lượng với nhà tuyển dụng những điều kiện đó, bạn sẽ gặp phải những khó khăn không nhỏ trong công cuộc tìm kiếm việc làm. Hãy đàm phán với họ những điều nhỏ nhất bạn muốn, sẵn sàng “uốn cong” những điều kiện của mình khi cần thiết để đạt được mục tiêu cao nhất: được tuyển dụng. Nên nhớ rằng bạn còn nhiều cơ hội để đàm phán với họ nếu như bạn được tuyển dụng.
9. Thiếu đầu tư cho CV
Bạn sử dụng cùng một loại CV, cùng một loại thư xin việc cho tất cả cả vị trí bạn dự định nộp hồ sơ. Bản CV đó thậm chí được xây dựng từ cách đây vài ba năm…Điều đó không phải là cách bạn tiết kiệm thời gian. Đó chính là cách ngắn nhất bạn tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Đầu tư càng nhiều thời gian vào bản CV, bạn càng “quảng cáo” mình tốt hơn với “hách hàng”, cơ hội nhận được những công việc tốt sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
10. Thiếu mục tiêu và tham vọng
Nếu bạn không có cho mình một mục tiêu dài hạn, điều đó đồng nghĩa bạn cũng không trang bị cho mình một mục tiêu ngắn hạn. Đừng ngần ngại nói cho nhà tuyển dụng biết kế hoạch dài hạn cũng như kế hoạch ngắn hạn của bạn trong bản CV hoặc trao đổi trực tiếp trong cuộc phỏng vấn. Nếu không chuẩn bị cho nội dung này bạn sẽ rất lúng túng khi được hỏi. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người không có định hướng, mục tiêu trong sự nghiệp, và khi bạn không xác định được rõ ràng mục tiêu trong nghề nghiệp của mình, bạn sẽ không xác định được bạn sẽ làm gì để mang về lợi nhuận cho công ty của họ.
Tuệ Anh
Theo Careerbuilder