Thanh Hóa:
Dự kiến chi 100 tỷ đồng xây dựng chương trình an toàn, vệ sinh lao động
(Dân trí) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về Chương trình An toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025, dự kiến chương trình sẽ có mức kinh phí 100 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa đã trình bày tờ trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh này về Chương trình An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Chương trình ATVSLĐ hướng tới mục tiêu chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động; ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức.
Cụ thể, trung bình hằng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người; 100% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ ở các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, và người làm công tác ATVSLĐ ở xã, phường, thị trấn sẽ được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ.
Các vụ tai nạn lao động chết người đều được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc, khám, điều trị và phục hồi chức năng khi có bệnh.
Các làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ; cơ sở lao động có sử dụng amiăng được giám sát, quan trắc môi trường lao động, người lao động tiếp xúc với amiăng được quản lý sức khỏe, khám phát bệnh nghề nghiệp; 60% trở lên người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được cập nhật, phố biến kiến thức về ATVSLĐ.
Ngoài ra, trung bình hằng năm sẽ hỗ trợ tăng thêm 20 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hệ thống ATVSLĐ, nhiều chính sách liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động cũng được phổ biến thực hiện trên cơ sở phù hợp về ATVSLĐ.
Nội dung chương trình sẽ tập trung vào các vấn đề chính như nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ; nghiệp vụ y tế lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tư vấn nâng cao nhận thức, kỹ năng và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; Hội đồng ATVSLĐ tỉnh sẽ có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban ngành liên quan để triển khai các nội dung liên quan như triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ, tăng cường tuyên truyền, phát hành các tài liệu, phát động các cuộc thi, mít tinh…
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 là 100 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước là 15 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 9 tỷ đồng). Còn lại là kinh phí từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, hợp tác xã và các nguồn huy động hợp pháp khác.