Đóng thiếu kinh phí công đoàn có thể chịu phạt tới 75 triệu đồng
(Dân trí) - Phạt từ 12% đến dưới 15% số tiền đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản nhưng không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định.
Đây là một phần nội dung của Nghị định 28/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, mức xử phạt trên còn áp dụng với một trong các hành vi như: Chậm đóng kinh phí công đoàn hoặc đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
Cũng liên quan tới quy định xử phạt hành chính các vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền với mức từ 18% - 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.
Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm trên, đó là: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Nhằm bảo vệ cho người lao động làm công việc cán bộ đoàn chuyên trách, Nghị định còn đưa ra mức xử phạt vi phạm quy định về sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc các biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền có thể phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sau đây: Không trả lương cho người lao động làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn;
Mức xử phạt trên cũng áp dụng thêm với các hành vi sau đây:
Không cho người lao động làm công tác công đoàn chuyên trách được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động khác trong cùng tổ chức.
Thực hiện các biện pháp kinh tế hoặc các biện pháp gây bất lợi khác tác động đến người lao động để người lao động không tham gia công đoàn hoặc không hoạt động công đoàn.
Đồng thời, Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả với vi phạm trên, như: Buộc trả lương cho người làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn đối với hành vi vi phạm; buộc giải quyết các quyền lợi và phúc lợi tập thể cho người làm công tác công đoàn chuyên trách như người lao động khác trong cùng tổ chức đối với hành vi vi phạm quy định.
Hoàng Mạnh