1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Doanh nghiệp “khát” thuyền viên

Cùng với việc chạy đôn chạy đáo tìm nguồn hàng, bạn hàng, ký kết hợp đồng vận chuyển thì việc tìm thuyền viên giờ lại là “mối lo” của không ít các doanh nghiệp vận tải biển.

Thiếu sỹ quan - doanh nghiệp “vắt chân lên cổ”

 

Trên thực tế, thiếu thuyền viên, chính xác hơn là thiếu sỹ quan cấp quản lý không phải là một vấn đề quá mới mẻ. Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp vận tải biển lại "khát" thuyền viên như bây giờ. Nơi chưa có thì cần cho đủ. Nơi đủ rồi thì "cố kiếm thêm" để dự trữ, cho thuê.

 

Cũng cần phải nói rằng những "nơi đủ rồi" ở nước ta cũng chỉ là vài ông lớn thực sự có "máu mặt" trong ngành hàng hải như Vosco, Vinaship... mà thôi, còn tình trạng chung vẫn là thiếu mà nói đúng hơn là thiếu trầm trọng. Theo ông Nguyễn Lê Vinh, Phó giám đốc Công ty vận tải biển Văn Lang thì công ty mới chỉ đảm bảo được 40% thuyền viên, 60% còn lại phải đi thuê.

 

Ông Lê Văn Cự, trưởng ban Tổ chức Cán bộ - Lao động (Công ty Vận tải biển Bắc Nosco) cũng cho biết, công ty ông có 5 tầu, mà "chạy vạy" mãi cũng mới chỉ có được 3 thuyền trưởng, 3 đại phó và 4 máy trưởng (đó là chưa kể số sỹ quan dự trữ đề phòng những trường hợp đột xuất ốm đau, hoặc trường hợp nghỉ ngơi sau một thời gian dài đi biển).

 

Thiếu thì phải đi thuê. Ông Cự cho biết, không một trung tâm cho thuê thuyền viên nào mà nhân viên công ty ông chưa tìm đến nhưng câu trả lời thường trực mà họ nhận được luôn là "không có" hay khả dĩ hơn là "ít lắm".

 

Đi thuê thuyền viên đã khó, giữ lại được, đặc biệt là những thuyền viên có trình độ cũng không phải là chuyện dễ... Theo ông Cự thì Nosco đã vận dụng mọi biện pháp có thể. Với các trung tâm cho thuê là tình cảm, là quan hệ và cả "bám sát mục tiêu" còn với sỹ quan thuyền viên là cơ chế lương, là những ràng buộc bằng hợp đồng, bằng tình cảm...

 

Các trung tâm cho thuê thuyền viên: “Giữ khư khư”

 

Lãnh đạo một công ty vận tải biển khác tâm sự: "Nhiều khi đi thuê, mình biết là còn, nhưng người ta bảo hết thì biết làm thế nào?

 

Mà ngay cả khi cả 2 bên đều biết rõ là còn thuyền viên đi nữa thì vẫn có trăm nghìn lý do khác được đưa ra: nào thì thuyền viên đó đã ký hợp đồng cho thuê rồi, chỉ chờ ngày lên tầu; nào thì đó là thuyền viên dự trữtrong trường hợp đột xuất cần người hay anh ta vừa đi biển về xong, đang trong thời gian nghỉ ngơi..."

 

Toàn những lý do "đích đáng" không thể trách vào đâu được. Nhưng có một điều không nói mà cả bên thuê lẫn bên đi thuê đều ngầm hiểu rằng lợi nhuận mới chính là nguyên nhân chủ yếu của vấn đề.

 

Ngoài việc hầu hết các thuyền viên đều có tư tưởng chọn tầu, chọn tuyến thì các trung tâm cũng muốn "ghim" thuyền viên lại để cho nước ngoài thuê với giá cao hơn. Cũng không thể trách các trung tâm bởi khi làm kinh doanh thì lợi nhuận chính là cái đích cuối cùng cần đến.

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao các công ty không tuyển dụng, đào tạo, nâng cao trình độ cho sinh viên các trường Hàng hải mới ra trường rồi ký kết hợp đồng lao động? Về vấn đề này, hầu hết các công ty đều có câu trả lời chung là họ đã nghĩ đến và thực tế đã tiến hành, song, đó là việc không thể làm trong một sớm một chiều.

 

Được biết, một sinh viên hàng hải sau khi ra trường phải mất 36 tháng thực tập trên tầu mới được mới được thi lấy bằng sỹ quan và tối thiểu phải có thêm 12 tháng làm việc trên tầu nữa mới được thi lấy bằng sỹ quan quản lý.

 

Ấy là chưa kể đến việc những người này sau khi được đào tạo có chuyên môn lại muốn "dứt áo ra đi" tìm những công ty lớn hơn, làm việc trên các tầu nước ngoài hoặc làm những công việc lương cao bổng hậu ở... trên bờ.

 

Doanh nghiệp vận tải biển sẽ vẫn còn "khổ" vì thuyền viên. Các nhà quản lý, đào tạo, hoạch định chiến lược sẽ vẫn còn phải đau đầu giải bài toán nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian đào tạo thuyền viên.

 

Theo Giao thông Vận tải