1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đình công: đúng - sai khó lường!

Công ty TNHH Kanaan Sài Gòn (100% vốn đầu tư Hàn Quốc, phân xưởng sản xuất trú đóng tại Đức Hòa Hạ, Đức Hòa, Long An) vừa có quyết định sa thải, buộc thôi việc hơn 80 lao động vì những người này đã tham gia đình công.

Đây là lần đầu tiên có một công ty áp dụng luật, xử lý công khai lao động đình công. Đây cũng là một vụ việc phức tạp mà các qui định pháp lý hiện hành có vẻ như đang “bó tay”.

 

Thực tế phức tạp

 

Trở lại vụ việc ngày 4/5, khoảng 2.500 lao động của phân xưởng tại Đức Hòa đã đồng loạt đình công yêu cầu được tăng lương. Yêu sách của công nhân là công ty phải tăng lương cho mỗi lao động thêm 15%. Vụ việc kéo dài tới ngày 12/5 mới được hòa giải xong, công nhân trở lại làm việc, nhưng yêu sách đưa ra vẫn không được giải quyết vì mức lương công ty đang trả vốn cao hơn so với qui định của nhà nước đối với khu vực này.

 

Đó là chưa kể vào cuối năm 2004 công ty cũng đã có điều chỉnh lương cho lao động. Việc đình công đã dẫn tới những thiệt hại không nhỏ: mất đơn hàng, đội chi phí vì phải giao hàng cho đối tác bằng máy bay thay vì tàu biển mới kịp thời gian...

 

Bức xúc trước việc đình công này, phía công ty quyết định xử lý một số trường hợp để làm gương. Ngày 13/5, tổng giám đốc Kim Young Sang đã ra quyết định sa thải, không trợ cấp 21 công nhân vì “đình công bất hợp pháp, nghỉ năm ngày không có lý do chính đáng, không hợp tác làm việc và có những hành vi gây thiệt hại tới lợi ích của công ty”.

 

Sau đó, công ty tiếp tục buộc thôi việc có trợ cấp đối với 62 lao động khác vì đã nghỉ năm ngày không phép trong tháng (tính những ngày công nhân đình công). Các công nhân bị xử lý đã tìm tới các cơ quan chức năng để kêu cứu, đề nghị hỗ trợ.

 

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết đã tiếp nhận được thông tin về vụ việc này. Đối với những trường hợp bị công ty sa thải mà không có trợ cấp thì sẽ tư vấn để lao động khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa. Tuy nhiên, đối với những lao động bị buộc  thôi việc nhưng có trợ cấp thì không có hướng giải quyết.

 

Ngày 2/6/2005, tiếp xúc với chúng tôi, phía công ty khẳng định sẽ theo vụ việc này tới cùng. Việc sa thải và không trợ cấp đối với 21 lao động là do những lao động này có hành vi quá khích, làm cho đình công diễn biến kéo dài, gây thiệt hại lợi ích của công ty.

 

Phía công ty cũng nói rằng đã dự liệu trường hợp các công nhân thưa kiện ra tòa, đến lúc đó thì công ty sẵn sàng đòi bồi thường về việc đình công bất hợp pháp. 

 

Cần nhanh chóng sửa luật

 

Vụ việc ở Công ty TNHH Kanaan Sài Gòn được tỉnh Long An hết sức quan tâm, đích thân phó chủ tịch UBND tỉnh tham gia chỉ đạo giải quyết. Kết cục vụ việc đi tới đâu còn tùy thuộc vào nhiều chuyện khác. Nhưng điều rõ nhất là những bất hợp lý trong các qui định pháp lý hiện hành đối với việc giải quyết tranh chấp và đình công đã được bộc lộ rõ qua vụ việc này.

 

Đây là lần đầu tiên có một công ty kiên quyết xử lý nghiêm khắc những lao động tham gia đình công không đúng trình tự, thủ tục qui định của pháp luật - điều mà các nhà quản lý lao động, hệ thống công đoàn các cấp đã lo ngại từ rất lâu. Căn cứ công ty đưa ra để xử lý công nhân là: “nghỉ năm ngày không phép trong tháng không có lý do chính đáng”.

 

Công ty cho rằng công ty không vi phạm pháp luật lao động, việc công nhân đình công tự phát là bất hợp pháp và được coi là tự ý bỏ việc. Còn lao động thì lập luận: “những ngày đó công nhân không nghỉ mà ngừng việc để yêu cầu công ty giải quyết yêu sách, đó là lý do chính đáng”.

 

Tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia lao động, chúng tôi thấy trong vụ việc này đang nổi lên những quan điểm trái ngược nhau. Có chuyên gia cho rằng “đây là hành vi trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công”, nhưng cũng có ý kiến khẳng định “việc công ty xử lý như vậy là đúng”.

 

Và theo luật định, cơ quan được quyền đưa ra kết luận là tòa án. Song cho dù có ra tới tòa, theo các chuyên gia lao động, cũng sẽ chẳng đi tới đâu ngoài việc tuyên “cuộc đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp”.

 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa có qui định rõ ràng về khái niệm “đình công”. Chưa phân biệt rõ thế nào là “đình công về quyền” và “đình công về lợi ích”. Và để có được một cuộc đình công đúng trình tự, thủ tục theo qui định hiện hành thì phải qua vô số khâu: gửi kiến nghị, thông qua hội đồng hòa giải các cấp (từ cơ sở tới cấp tỉnh), lấy chữ ký của lao động, phải do công đoàn tổ chức và lãnh đạo, phải thông báo trước...

 

Điều mà trong rất nhiều cuộc góp ý xây dựng luật thời gian qua, cả hệ thống công đoàn cũng như ngành lao động thương binh - xã hội đều khẳng định “không thực tế, khó có thể thực hiện được”.

 

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động VN, tính từ năm 1995 tới nay cả nước đã xảy ra gần 900 cuộc đình công. Và tất cả những cuộc đình công này đều không đúng trình tự thủ tục qui định hiện hành.

 

Dù vậy, cũng cần nhấn mạnh hầu hết các cuộc đình công đều xuất phát từ các sai phạm của chủ sử dụng lao động, công nhân bức xúc vì quyền lợi chính đáng bị xâm phạm, tước đoạt. Đây là những cuộc “đình công về quyền”. Do đó khi hòa giải, các chủ doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng đều không quan tâm mấy tới việc công nhân đình công không đúng trình tự, thủ tục.

 

Riêng các cuộc “đình công vì lợi ích” giống như trường hợp của Kanaan Sài Gòn, công nhân đình công để đòi những quyền lợi mà pháp luật không hoặc chưa qui định, không xuất phát từ những sai phạm của nhà đầu tư thì rất hiếm khi xảy ra.

 

Chính sự thiếu rõ ràng, mập mờ giữa các khái niệm đình công như vậy cùng với cung cách giải quyết “dĩ hòa vi quí” đối với các cuộc đình công thời gian qua đã tạo cho người lao động một nếp nghĩ “đình công là vũ khí giải quyết mọi tranh chấp và vướng mắc trong quan hệ lao động”. Và thực tế đã cho thấy đình công không đúng trình tự ngày càng tăng và phổ biến.

 

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động VN, các cuộc đình công hiện nay đang có xu hướng phát triển theo hướng “đông người” và “kéo dài”. Vậy, khi doanh nghiệp vận dụng luật để xử lý kỷ luật công nhân giống như Kanaan thì sẽ phải giải quyết như thế nào? Dù trong điều kiện nào thì người lao động cũng phải gánh hậu quả nhiều nhất trong vấn đề “hậu đình công”. Đó là mất việc làm, thậm chí phải bồi thường cho chủ sử dụng lao động nếu cuộc đình công gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Từ những vấn đề như vậy, cho thấy những bất hợp lý trong giải quyết tranh chấp lao động đang ngày càng bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt, đồng thời rất khó xử lý khi đụng chạm trong thực tế. 

 

Do đó, cần thiết phải có sửa đổi những qui định về tranh chấp, đình công và giải quyết đình công sao cho phù hợp với cuộc sống, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động.

 

Theo Đông Hưng

Tuổi Trẻ