Điều trị, cai nghiện cho hơn 53.000 người
(Dân trí) - Các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho hơn 53.000 người, trong đó số tiếp nhận mới hơn 10.000 người, giảm hơn 5.800 người so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là kết quả công bố trong báo cáo sơ kết công tác cai nghiện ma túy 6 tháng đầu năm 2020 của Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).
Triển khai công tác cai nghiện
Theo Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, tổng số học viên đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện là hơn 34.900 người, trong đó hơn 27.100 người theo quyết định của Tòa án, còn lại là số người cai nghiện tự nguyện và người thuộc diện không có nơi cư trú ổn định.
Về công tác cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập, cả nước có 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện theo quy định.
Tính đến 30/4, các cơ sở đã điều trị cho hơn 1.100 người, trong đó số tiếp nhận mới 237 người. Số người nghiện đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện là 746 người.
Cũng theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, 13 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Qua 4 tháng đầu năm 2020, 1.700 người đã được cai nghiện qua mô hình này. Hiện nay, các địa phương tổ chức quản lý 100% người nghiện sau cai về cộng đồng với hơn 23.400 người.
BOX: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về cai nghiện ma túy
Thời gian qua, Cục đã phối hợp với tổ chức Colombo Plan triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội cho 2 quận (Quận Long Biên và quận Nam Từ Liên); thành phố Hồ Chí Minh 2 quận (Quận 4 và quận Bình Thạnh).
Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục chuyển kinh phí cho Campuchia thực hiện dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc dự án Trung tâm dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện, dựa vào cộng đồng tại tỉnh Preah Sihanouk, Vương quốc Campuchia theo thỏa thuận đã ký giữa 2 Chính phủ Việt Nam - Campuchia.
Nhiều khó khăn
Cũng theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, những tháng đầu năm 2020, việc hiện chủ trương "cách ly xã hội" và "dãn cách xã hội" để phòng chống dịch Covid - 19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng ít nhiều khiến tiến độ xây dựng ban hành một số văn bản chậm so với kế hoạch đề ra.
Hầu hết các tỉnh, thành phố tạm dừng việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, làm gia tăng người nghiện tại cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Việc tạm dừng việc gia đình thăm gặp học viên tại cơ sở cai nghiện, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người nghiện đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.
Trong khi đó, các quy định về thủ tục tạm thời đưa học viên mắc bệnh nặng, đặc biệt các trường hợp cấp cứu vượt quá khả năng điều trị của các cơ sở cai nghiện đi bệnh viện chữa bệnh (chờ Tòa án quyết định) đã tốn nhiều thời gian gây khó khăn cho cơ sở.
Quy định về thời hiệu của Quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở bắt buộc; Quyết định về quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai đối với người trốn thi hành Quyết định, được tính từ khi hành vi trốn tránh chấm dứt, không thực sự phù hợp thực tiễn dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Số người được cai nghiện giảm dần vì đối tượng và gia đình không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai nghiện.
Khoảng 70% người nghiện sử dụng ma túy nhóm ATS thường có biểu hiện về tâm thần, loạn thần có hành vi ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Một bộ phận người nghiện điều trị thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng heroin và ma túy khác hoặc bỏ liều. Cán bộ tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản; cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quyết liệt triển khai và không bố trí kinh phí để thực hiện.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Cục phòng chống tệ nạn xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính phù hợp pháp luật quốc tế và hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến cai nghiện ma túy.
Bộ Công an nghiên cứu việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy bám sát Chỉ thị số 36-CT⁄TW, nhằm làm rõ hơn những nội dung liên quan tới công tác cai nghiện ma túy, đảm bảo sự thống nhất hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền con người đã được Hiến pháp quy định, nâng cao hiệu quả cai nghiện phù hợp với với xu thế tiến bộ trong tình hình mới…