Đề xuất định nghĩa lại mức lương tối thiểu: Nên hay không?
Theo TS. Đặng Đức Đam, phương pháp tính lương tối thiểu dựa trên nhu cầu tối thiểu là chưa hợp lý bởi thực tế là không thể xác định chính xác được nhu cầu sống tối thiểu.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất định nghĩa lại thế nào là lương tối thiểu và các yếu tố cấu thành lương tối thiểu. Tổng Liên đoàn lao động cho rằng lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, dó đó nên chăng cũng cần định nghĩa lại thế nào là mức sống tối thiểu.
Khoản 1, Điều 91 của Luật Lao động hiện hành quy định mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, từ khi có bộ luật đến nay, điều luật này chưa bao giờ được thực hiện. lương tối thiểu chỉ đáp ứng được khoảng 70 - 90% mức sống tối thiểu. Việc thực hiện điều luật đã bị lùi lại nhiều năm. Dự kiến, đến năm 2020, mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu mới có thể bằng nhau.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những con số được tính toán dựa trên các công thức phức tạp. Thực tế cuộc sống đa dạng hơn, mỗi người có một nhu cầu sống khác nhau. Nhiều người cho rằng khó có thể định nghĩa thế nào là đủ cho cuộc sống.
Trong khi đó, chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng nhu cầu sống tối thiểu là một định nghĩa trừu tượng, rất khó xác định. Có ý kiến còn cho rằng, vì không thể tính chính xác nên tiền lương tối thiểu dù đã tăng mạnh hàng năm vẫn vị hụt so với nhu cầu.
TS. Đặng Đức Đạm – Nguyên Phó Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết: "Thực ra, phương pháp tính lương tối thiểu dựa trên nhu cầu tối thiểu đã được dùng hàng chục năm nay. Nhưng chúng ta cũng rút ra một kinh nghiệm là không thể xác định được nhu cầu sống tối thiểu".
"Chúng ta vẫn dựa theo phương pháp điều tra xã hội học nhưng chính phương pháp này cũng có mặt trái của nó, đó là phải chọn mẫu gồm những người đang sống đúng ở mức tối thiểu, còn đối tượng hiện được chọn để điều tra mức sống tối thiểu lại là người bình thường" - ông Đặng Đức Đạm phân tích - "Muốn xây dựng tiền lương tối thiểu chính xác thì không thể dựa duy nhất vào mức sống tối thiểu mà cần một loạt các yếu tố, tiêu chí như thu nhập quốc dân, năng suất lao động , thu nhập của tầng lớp dân cư…".
"Hiện nay, chúng ta cũng còn hơi ngộ nhận. Khi nói tiền lương tối thiểu thì mới chỉ là tiền lương tối thiểu vùng , chỉ áp dụng cho một khu vực là những người làm công hưởng lương của doanh nghiệp. Còn nói tiền lương tối thiểu theo Luật Lao động thì phải nói tới lương tối thiểu cho cả xã hội, cho tất cả các khu vực như khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp…"
Rõ ràng, chính sách được ban hành để bảo vệ cho số đông. Nhóm yếu thế là người lao động đang phải chật vật sống với đồng lương hạn hẹp của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại là động lực của nền kinh tế. Khi chi phí lương chiếm tới 70% chi phí sản xuất thì rất khó để doanh nghiệp có thể nói tới cạnh tranh, mở rộng sản xuất. Vai trò của Nhà nước với tư cách trọng tài là buộc phải tìm ra điểm cân bằng để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.
Theo VTV.VN