1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cụ bà 88 tuổi vẫn sửa xe, chống đẩy mỗi ngày

Dù đã bước sang tuổi 88 nhưng “bà lão vá săm”, cái tên thân mật mà những người xung quanh thường dùng để gọi bà Nguyễn Thị Vân vẫn gắn bó với công việc này.

Còn sống là còn đi vá săm xe

Tôi gặp bà trong một buổi trưa mùa xuân ấm áp, khi bà đang nghỉ ngơi và ăn bữa trưa ngay cạnh những đồ nghề sửa xe của mình trên đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội). Âu cơm nhựa chỉ có một chút cơm, vài cọng rau và miếng giò. Bà quan niệm người già ăn nhiều không tốt cho sức khỏe và nên để dành cho con cháu mình.

Vốn là nông dân từ Hà Nam lên Hà Nội với ước mơ có cuộc sống đủ đầy, những ngày đầu bà Vân thường bán bánh kẹo tại khu vực trước cổng Đại sứ quán Nga. Sau đó, công việc gặp nhiều khó khăn nên bà chuyển qua buôn đồng nát, rồi cuối cùng dừng lại ở nghề sửa xe cùng chồng từ 20 năm trước. Cũng từ đó đến nay, bà chỉ gắn bó với một địa điểm duy nhất là con dốc ngay ngã tư trên đường Đê La Thành.

Bà Nguyễn Thị Vân dù sắp bước sang tuổi 90 nhưng vẫn quyết gắn bó với nghề vá săm.
Bà Nguyễn Thị Vân dù sắp bước sang tuổi 90 nhưng vẫn quyết gắn bó với nghề vá săm.

Đồ nghề của bà Vân không nhiều, chỉ gồm 1 chiếc tủ kính để bán thẻ điện thoại và thuốc lá, 1 chiếc làn nhựa đựng bơm xe và vài món đồ phụ trợ cho việc vá săm như móc lốp, kìm, búa, cờ lê... Những ngày mưa bà không về nhà nghỉ ngơi mà tranh thủ ngồi bán áo mưa để kiếm thêm thu nhập.

Mỗi ngày, bà Vân tự mình xách làn đồ nghề trong lúc người nhà giúp kéo chiếc tủ kính ra con dốc. Cứ như vậy, bà ngồi đợi khách đến mua hàng, vá săm từ 5h sáng đến 11h đêm. “Ngày trước hai vợ chồng cùng ở đây sửa xe. Nhưng từ khi ông mất, tôi chỉ có thể vá săm và bơm xe chứ không thay săm được nữa vì tay run”, bà Vân bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Đức mở quán nước ngay bên cạnh cho biết ngày nào dọn hàng cũng thấy bà Vân đã ngồi ở đó. Dù không có nhiều khách đến nhưng bà vẫn rất kiên nhẫn, buổi trưa cũng ít khi về nhà ngay gần đó để nghỉ ngơi.

Nhờ quãng thời gian dài phụ chồng trong việc sửa xe nên dần dần bà cũng học được cách tự vá săm và thay săm. Bà cho biết khách chỉ cần nhìn vào cách tháo van là biết ngay thợ "xịn" hay "dởm”.

Khai hàng ngay từ sáng mùng 1 Tết là cách để bà Vân có thêm thu nhập trong suốt 20 năm qua. “Tôi làm từ ngày ấy thì mới có nhiều khách vì dịp Tết nhu cầu người dân cao nhưng lại rất ít thợ vá săm xe. Cũng có những khách đến sửa xe, họ thấy mình già cả còn vất vả mưu sinh nên lại biếu thêm vài chục nghìn đồng", bà Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, việc kiếm sống từ nghề này ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi sức khỏe của bà Vân ngày một yếu và không đủ sức cạnh tranh với những điểm sửa xe xung quanh. Không ít lần "bà lão vá săm" ngồi từ sáng đến tối mà không hề có khách hàng nào.

Dù con cháu đã nhiều lần ngăn cản nhưng bà vẫn tiếp tục công việc của mình bởi quan niệm còn sức khỏe thì vẫn làm. “Chừng nào còn sống thì tôi vẫn tiếp tục ngồi đây vá săm, bơm xe cho đến phút cuối đời mình” - bà cười chia sẻ với phóng viên.

Gần 90 tuổi vẫn xỏ kim khâu áo, đọc báo hằng ngày

Bà Vân quan niệm: “Chân không đi lại, vận động thường xuyên thì sẽ bị liệt, đầu không chịu nghĩ ngợi, miệng không chịu giao tiếp với con cháu thì sẽ bị lú lẫn”. Công việc vá săm xe vừa để kiếm sống mưu sinh nhưng cũng chính là cách để bà giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Ý thức được sức khỏe sẽ ngày càng yếu nên bà thường xuyên luyện tập để có thể tiếp tục lao động.

Tranh thủ những lúc vắng khách, bà Vân thường đứng lên đi lại và tập thể dục để không bị mỏi và cứng cơ.
Tranh thủ những lúc vắng khách, bà Vân thường đứng lên đi lại và tập thể dục để không bị mỏi và cứng cơ.

Buổi sáng bà thường dậy sớm và dành 30 phút để tập thể dục trước khi dọn hàng. Sau khi chống đẩy, bà thực hiện những động tác đơn giản như đứng bật nhảy hay đứng lên ngồi xuống. Những động tác này giúp bà giãn gân cốt, tránh để các cơ bị cứng. Sau đó bà tiếp tục đi bộ vài vòng quanh siêu thị gần đó rồi mới về nhà.

“Tập thể dục cũng vì chính mình thôi. Nhờ đó mà tôi minh mẫn và linh hoạt hơn. Nhiều người sống xung quanh ít tuổi hơn nhưng giờ đã lú lẫn, gọi hỏi cũng không nhận ra ai nữa”, bà chia sẻ.

Lúc rảnh rỗi, bà Vân cũng thường đan len, khâu áo giúp những người hàng xóm xung quanh. Đã 88 tuổi nhưng bà vẫn có thể tự đọc báo hằng ngày.

Chia sẻ với phóng viên, bà cho biết 6 năm qua mình chưa từng bị viêm họng một lần, cũng chưa từng phải dùng đến gậy để hỗ trợ khi di chuyển. Nhìn bà đi lại nhanh nhẹn bán hàng, nếu không phải là người quen biết, chẳng ai nghĩ bà đã sắp mừng thọ tuổi 90.

Theo Trần Huyền/Báo Hà Nội mới