Công nhân may làm khoán hết sức mới có lương từ 10-12 triệu đồng

(Dân trí) - Sáng 26/2 tại Hà Nội, một kết quả khảo sát về tiền lương trong lĩnh vực dệt may do Oxfam và Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) công bố đã bổ sung thêm góc nhìn về tương quan tiền lương với mức sống của người lao động ngành may.

Theo bà Phạm Thu Lan, Viện Phó Viện Công nhân và Công đoàn, trưởng nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sử dụng kết quả định tính và tham chiếu với các phát hiện trong các nghiên cứu khác đã được công bố trong quá trình tổng quan tài liệu.

“Kết quả được thực hiện qua phỏng vấn với mẫu nhỏ, với 157 người gồm công nhân, quản lý, chuyên gia, cán bộ nhà nước. Dù chưa thể hiện bức tranh toàn ngành may nhưng qua đó nhiều đánh giá có giá trị nhất định đối với người sử dụng lao động, các nhà quản lý và người lao động” - bà Phạm Thu Lan cho biết.

Bà Phạm Thu Lan, Viện Phó Viện Công nhân và Công đoàn nói về nghiên cứu tiền lương trong lĩnh vực dệt may.

Qua 2 phương pháp tính khác nhau, khảo sát cho thấy nếu tính cả tiền làm thêm giờ, khoảng từ 52-99 % công nhân cho biết mức lương thấp hơn không đủ sống.

Với công nhân may, tiền lương thực tế là lương theo sản phẩm. Nếu không đủ số sản phẩm định mức để được lương tối thiểu, công nhân được bù lương. Khoảng 45% công nhân được hỏi cho biết thỉnh thoảng hoặc thường xuyên được bù lương trong năm. Với công nhân khác, tiền lương thực tế là lương thời gian và chỉ nhỉnh hơn lương cơ bản một chút.

Lương thấp chưa đủ đảm bảo cuộc sống đàng hoàng

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: “Tình trạng tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng ngành may đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng nghèo đói. Khi nói đến nghèo đói, chúng ta nói đến tình trạng người lao động không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản để có một cuộc sống tử tế cho họ và gia đình họ - không nhất thiết giống chuẩn nghèo chính thức của Chính phủ hoặc chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới. Những chuẩn nghèo này là chưa đủ để đảm bảo một cuộc sống đàng hoàng”.

“Như vậy, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất” - bà Phạm Thu Lan cho biết.

Bên cạnh đó, khảo sát còn cho thấy những con số cho thấy hệ luỵ của lương không đủ sống: 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng, 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Liên quan tới vấn đề làm thêm giờ và vấn đề sức khỏe, khảo sát cho thấy: 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc, 28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra các rào cản trong nước như hệ thống pháp luật, công tác thanh tra, nhận thực về tiền lương. “Việc sửa đổi pháp luật có thể làm cho người lao động dễ bị tổn thương hơn, đặc biệt là vấn đề về đảm bảo quyền, thương lượng về lương. Trong khi đó, việc hạn chế của thanh tra lao động, hòa giải và trọng tài lao động cũng là một rào cản lớn” - bà Phạm Thu Lan cho biết.

Làm khoán hết sức mới có lương 10-12 triệu đồng/tháng

Theo bà Phạm Thu Lan, nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Họ phải chi tiêu ở mức dè xẻn và hiếm khi chi tiền vào những khoản chưa thực sự cần thiết.

Các chi tiêu cho giải trí, hoạt động xã hội và thậm chí đi lại về quê thăm gia đình và bạn bè ít công nhân có thể dám chi trong tiền lương hàng tháng của họ. Có công nhân nhận mức lương sản phẩm đạt 10-12 triệu đồng, nhưng họ phải làm việc hết sức.

“Mong đợi của công nhân may hiện nay là lương đủ sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp” - bà Phạm Thu Lan cho biết.

Hoàng Mạnh