Có phương án di chuyển học sinh để làm khu cách ly tập trung
(Dân trí) - Phó chủ tịch Thanh Hóa đề nghị Sở LĐ-TB&XH phối hợp với huyện Triệu Sơn có phương án di chuyển số học sinh Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa để trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Chiều 19/3, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và huyện Triệu Sơn đã đi khảo sát địa điểm trưng dụng làm khu cách ly tập trung của tỉnh này tại Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa, đóng trên địa bàn xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn.
Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa hiện có 4 hội trường, 4 nhà nội bộ, 2 phòng họp, nhà ăn phục vụ được 500 người, có sân thể thao, tường rào ngăn cách, khu ký túc xá với 68 phòng, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 500 người.
Đây là địa điểm cách xa khu dân cư, phù hợp làm nơi ở cách ly. Tuy nhiên, một số điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu ở và sinh hoạt.
Theo ông Quyền, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số quốc gia trên thế giới hiện nay, dự kiến thời gian tới sẽ có nhiều công dân Thanh Hóa đang lao động ở nước ngoài quay trở về nước.
Vì thế các ngành có liên quan cần phối hợp để nhanh chóng triển khai khu cách ly, bảo đảm tốt nhất nhu cầu nơi ăn, ở và sinh hoạt cho những công dân được cách ly.
Ông Quyền giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa trực tiếp làm việc với nhà trường khảo sát điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất, nhanh chóng lập phương án sửa chữa, cải tạo bố trí khu vực cách ly tại Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa xem xét, quyết định; Sở Y tế cần có phương án đáp ứng nhu cầu chăm sóc, phòng chống dịch bệnh.
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với huyện Triệu Sơn có phương án di chuyển số học sinh đang học tại trường để tiếp tục học bổ túc và học nghề.
Ông Quyền cũng đề nghị Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa phối hợp tốt với các ngành có liên quan; khẩn trương vệ sinh tất cả các phòng ký túc xá; tiến hành mua sắm ngay các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu ăn, ở, vệ sinh cho công dân vào cách ly; lắp đặt các biển cảnh báo, thông báo quy định khu vực cách ly; đồng thời sắp xếp, bố trí các khu vực dành cho cán bộ y tế, lực lượng trực thực hiện nhiệm vụ một cách hợp lý.
Thầy Hoàng Ngọc Cao, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa cho biết, nhà trường có tổng 700 học sinh, một số học sinh đi thực tập còn tại trường có 371 học sinh. Nếu tỉnh trưng dụng thì nhà trường sắp xếp cho nghỉ đến hè tiếp tục chương trình.
Chỉ có một lớp 12 các em vừa học nghề và văn hóa, để đảm bảo chương trình lớp 12, nhà trường mượn phòng học trên địa bàn xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn để các em đảm bảo chương trình. Một số liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các em học xong chuyên môn rồi, chuyển về trung tâm cho các em học văn hóa.
“Nhà trường sẵn sàng, nếu tỉnh trưng dụng thì nhà trường sẽ sắp xếp được. Riêng ký túc xá học sinh được xây dựng từ 2004 đến nay đã xuống cấp, nhà trường muốn cải tạo, nâng cấp nhưng kinh phí lớn quá. Riêng khu giảng đường, hội trường mới tu bổ lại nên rất tốt. Nếu tỉnh hỗ trợ cùng với nhà trường thì sẽ triển khai tu sửa lại khu ký túc xá”.
Tại Thanh Hóa hiện đã có 2 khu cách ly tập trung tại Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh, thuộc Trường Đại học Hồng Đức và Sư đoàn 390, thuộc Quân đoàn I, đóng tại thị xã Bỉm Sơn.
Duy Tuyên