“Chọn đúng ngành nghề, tình trạng thất nghiệp sẽ giảm đi nhiều”
“Để tránh nguy cơ thất nghiệp trong tương lai, ngay từ bây giờ lao động trẻ nên lưu ý tới các ngành đang được doanh nghiệp quan tâm như cơ khí, hàn, dịch vụ nhà hàng - khách sạn, nấu ăn. Điều này cũng đúng với những lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp”.
Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XHXH Hà Nội) - chia sẻ với báo giới về kinh nghiệm tìm việc tại các Phiên Giao dịch việc làm cũng như tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi hiện nay.
Thưa ông, tình trạng lao động từ 30 - 35 tuổi bị doanh nghiệp tìm cách cho nghỉ việc đang diễn ra không ít trên thị trường lao động. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Chúng ta phải thừa nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra âm thầm nhưng làm thay đổi cơ cấu sản xuất, việc đổi mới khoa học kỹ thuật. Chưa kể trong tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chủ doanh nghiệp buộc phải tính toán nhu cầu sử dụng nhân lực không đòi hỏi lao động có trình độ quá cao.
Vì thế, người lao động từ 30-35 tuổi chưa có nghề rơi vào đối tượng yếu thế bị sa thải. Thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chúng tôi đã gặp nhóm đối tượng trên tới tìm việc khá đông.
Vậy lời khuyên của ông đối với lao động trẻ khi tới việc tại Trung tâm dịch việc làm là gì?
- Lao động trẻ cần chủ động tìm hiểu thông tin của thị trường lao động và định hướng phát triển. Dù người lao động đang làm việc trong công ty nhưng chưa chắc ổn định, rất có thể vài năm nữa sẽ bị sa thải. Để tránh bị thất nghiệp, ngay từ bây giờ, họ nên tìm những ngành nghề dễ có việc làm để học, chẳng hạn như cơ khí, hàn; dịch vụ nhà hàng - khách sạn, nấu ăn. Đây là các ngành nghề được các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều.
Không chỉ với những bạn trẻ, đối tượng lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng nên quan tâm tới điều này khi tham gia học nghề. Nếu chọn đúng được nghề mà thị trường lao động cần, việc học nghề theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu quả và người lao động sớm quay lại thị trường hơn.
Với tư cách là chuyên gia về lao động việc làm, ông có ý kiến gì về nguy cơ những lao động giản đơn dễ bị mất việc làm từ Cuộc cách mạng 4.0?
- Cuộc CMCN lần thứ 4 đang ở giai đoạn khởi đầu. Tôi cho rằng, về phía góc độ Nhà nước cần nhìn thấy vấn đề này để tăng cường giáo dục cho mọi người đang ở độ tuổi lao động đi học nghề. Nhà nước có thể tận dụng kinh nghiệm thế giới để áp dụng vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu những khó khăn như hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thị trường, giảm bớt thủ tục...
Đối với những người đang làm việc trong các doanh nghiệp cần phải nhạy bén, có thể ngày đi làm, tối đi học ở trung tâm dạy nghề. Tổ chức công đoàn phối hợp với cấp quản lý trong doanh nghiệp bố trí thời gian để tổ chức khóa dạy nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để họ chuyển đổi công việc. Hiện nay bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội còn có những phân tích, dự báo cung cấp cho các cơ quan liên quan và NLĐ để họ hiểu hơn về thị trường lao động trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông
Văn Lịch thực hiện
Tin liên quan:
Cả nước có 220.889 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đây là số liệu được Ban biên tập Bản tin thị trường lao động VN quý 2/2017 công bố trong tháng 9. Theo đó, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng 17,3% (32.542 người) so với cùng kỳ năm 2016, tăng 84,1% (100.920 người) so với quý 1/2017.
Theo ông Phạm Quang Vinh - Viện trưởng Viện KHLĐXH (Bộ LĐ-TB&XH), 43 % lý do thất nghiệp của người lao động vì hết hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt cả 2 loại hợp đồng này, 38,23% do người lao động đơn phương chấm dứt 2 loại hợp đồng này và 3,27% do doanh nghiệp, tổ chức giải thể hoặc thay đổi cơ cấu...Cũng trong quý 2/2017, cả nước có 218.999 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 113,9% so với quý 1/2017 và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2016. Khảo sát của Bản tin cho thấy, tỉ trọng lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng chiếm 56,2%. Số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề trong quý 2/2017 là 8.836 người (chiếm 4,0% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp), tăng 31,4% (2.113 người) so với cùng kỳ năm 2016. Số người chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề trong quý 2 là 153 người, bằng 1,7% so với tổng số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề.
H.N
Thanh Hoá: Hơn 11.860 lao động nhận hỗ trợ thất nghiệp
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hoá (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá), đến tháng 9/2017, cả tỉnh có 12.840 người đăng ký thất nghiệp, 84 người chuyển đi các địa phương khác để hưởng BHTN, 11.864 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 109 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh hoá có hơn 6.900 đơn vị đã tham gia BHTN, có 288.572 người giao kết hợp đồng lao động. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tư vấn cho 13.148 lượt người lao động thất nghiệp được tư vấn, 3.483 lao động giới thiệu việc làm. Theo lãnh đạo Trung tâm DVVL Thanh Hóa, từ nay đến cuối năm 2017, Trung tâm DVVL Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những quy định mới của chính sách BHTN theo Luật việc làm đến với người lao động, các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động. Tiếp tục khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các cơ sở đào tạo và ngành nghề đào tạo nhằm tư vấn, GTVL, nghề học cho người lao động thất nghiệp. Từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức và mạng lưới để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng BHTN trên địa bàn.
T.P