Cho "ô-sin" thôi việc: chuyện dở khóc - dở cười

Không bằng lòng hành động của người giúp việc trong nhà mình khi chủ vắng nhà, chị chủ buộc cho "ô-sin" thôi việc và đã báo trước một tháng. Nhưng, chị không ngờ trong thời gian chờ thôi việc, gia đình chị liên tục gặp nhiều "tai nạn" mà mãi đến khi ô-sin đã ra đi, chị mới hiểu ra mọi chuyện...

Tháng 9/2004, gia đình chị N.C.D.K ngụ ở Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phong, Q.7, TPHCM qua sự môi giới của Công ty Dịch vụ việc làm H.A (P.Bến Nghé, Q.1) đã tìm được một phụ nữ giúp việc nhà tên T.N - tên thường gọi là L. (48 tuổi, ngụ tại Q.5, TPHCM). Đã từng nghe bạn bè nhắc nhở và cảnh báo với chị về nhiều trường hợp dở khóc dở cười xung quanh các câu chuyện về "ô-sin", ban đầu, chị thấy cũng hơi lo ngại, nhưng qua vài tháng thử việc, thấy người giúp việc có vẻ chịu khó, thật thà nên chị rất vui vì nghĩ rằng mình đã tìm được một người làm ưng ý.

 

Tin tưởng vào người giúp việc, và hơn nữa, do cả hai vợ chồng chị K. làm việc cả ngày nên chị giao toàn bộ công việc nhà, cả việc chăm sóc hai đứa con cưng, thậm chí chị giao hẳn chùm chìa khóa nhà cho người giúp việc. Nhưng chị K. đâu ngờ rằng, những lúc vợ chồng, con cái chị vắng nhà mấy bữa là cô giúp việc dẫn bạn bè, người yêu vào nhà nhậu nhẹt, thậm chí còn ngủ qua đêm và làm nhiều chuyện không thể tưởng tượng được trong nhà chủ. Đã vậy, người giúp việc còn đem chuyện mình đã "náo loạn" ở nhà chủ kể cho những người hàng xóm nghe chơi. Lâu ngày, câu chuyện cũng đến tai chị K. Cảm thấy khó chịu trước hành động tự tung tự tác của người giúp việc, chị K. nhiều lần nhắc nhở nhưng cứ mỗi lần vợ chồng chị đi vắng là y như rằng, người giúp việc lại vẫn tác oai tác quái.

 

Không thể chịu đựng hơn nữa, vợ chồng chị K. quyết định cho thôi việc và báo trước một tháng để người giúp việc có thời gian tìm việc mới. Và từ đây, bao chuyện rối rắm, phiền toái không ngờ đã xảy ra...

 

Gặp chúng tôi, chị K. nói: "Từ khi biết chúng tôi cho nghỉ việc, suốt một tháng trời, gia đình chúng tôi phải chịu sự "hành hạ" từ người giúp việc mà mãi đến về sau vợ chồng tôi mới biết. Như việc bà L. hay bỏ thuốc vào nồi chè làm cả nhà tôi bị đau bụng tiêu chảy mấy ngày mà lúc bấy giờ không hiểu nguyên nhân. Bà ta còn bỏ thuốc muối vào lọ thuốc nhỏ mắt làm cho người nhà càng nhỏ, mắt càng sưng vù lên và càng đau thêm phải vào bệnh viện chữa trị; rồi bà ta cho hai đứa con nhỏ của tôi uống thuốc ngủ mỗi ngày để có thời gian đi chơi...". Và còn nhiều nữa những chuyện mới chỉ nghe thôi đã thấy ớn lạnh mà chúng tôi không tiện nêu ra. Nhưng có lẽ câu chuyện sẽ không có gì là ồn ào nếu như người giúp việc ra đi rồi im lặng.

 

Sau khi đã tìm được một công việc mới, người giúp việc lại liên tục gửi nhiều lá thư đến nhà chị K. với những lời lẽ hết sức thô tục kể hết về những việc làm "tày đình" trước kia đã thực hiện trong nhà chị K. để cho chị K... tức chơi ! Chị K. nói tiếp: "Đến bây giờ tôi mới hiểu là vì sao khi mới vào làm việc ở nhà tôi, đêm nào bà ta cũng viết thư rồi gửi đi đâu đó. Tôi rất lấy làm thắc mắc vì bà ta nói rằng bà sống độc thân chỉ có một mình, vậy thì viết thư cho ai mà đêm nào cũng viết ?". Còn nữa, cứ giữa buổi trưa, lúc nửa đêm khi cả nhà đang nghỉ ngơi thì "người xưa" lại liên tục gọi điện thoại đến chửi rủa thô tục và liên tục đe dọa đủ điều với gia đình chị, đại loại như: "Mày ra đường ban đêm coi chừng bị tao ám sát, con mày đi học cẩn thận, coi chừng bị bắt cóc...".

 

Vì vậy gần một tháng nay, cả nhà chị K. rất khổ sở vì lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, mất ăn mất ngủ vì sự quấy nhiễu của người giúp việc. Không thể chịu đựng được nữa, chị K. đã quyết định gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

 

Chúng tôi cũng đã có buổi tiếp xúc với Công ty Dịch vụ việc làm, nơi đã giới thiệu người giúp việc cho chị K. Giám đốc công ty cho chúng tôi biết vì đây là người do công ty giới thiệu nên công ty cũng tự nhận thấy có trách nhiệm và sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng cũng như chủ nhà để nhanh chóng làm rõ sự việc vì hồ sơ của bà T.N (người giúp việc) ở công ty vẫn còn lưu.

 

Theo luật sư Hoàng Tam Đa - Đoàn Luật sư TPHCM thì riêng hành vi bỏ thuốc vào thuốc nhỏ mắt và vào thức ăn làm nguy hiểm đến tính mạng sức khỏe cho người sử dụng của bà L. là đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Trong sự việc trên, nếu có đầy đủ chúng cứ thì cơ quan công an hoàn toàn có thể sẽ xử lý bà ta theo pháp luật tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi và mức độ hậu quả thiệt hại đã xảy ra. Riêng đối với việc dùng điện thoại, thư từ để đe dọa, quấy nhiễu làm ảnh hưởng đến cuộc sống người khác thì hiện nay chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật, nhưng cũng có thể xem đây như là một hành vi gây rối trật tự công cộng, nạn nhân là chị K. cũng có thể tố giác bà L. với cơ quan chức năng và hành vi trên cũng có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính.

 

Trên đây chỉ là một trong 1.001 chuyện dở khóc dở cười xung quanh mối quan hệ giữa người giúp việc và chủ nhà.

 

Theo Hải Nam

Thanh Niên