Chiêu phỏng vấn lợi hại của một sếp công nghệ: Từ chối và chờ thái độ của ứng viên

Ứng viên sáng giá là người không chịu khuất phục trước câu từ chối thằng thừng của nhà tuyển dụng: "Rất tiếc, nhưng công việc này dường như không phù hợp với bạn".

Chiêu phỏng vấn lợi hại của một sếp công nghệ: Từ chối và chờ thái độ của ứng viên


Ứng viên sáng giá là người không chịu khuất phục trước câu từ chối thằng thừng của nhà tuyển dụng: "Rất tiếc, nhưng công việc này dường như không phù hợp với bạn".

Đặt câu hỏi là thói quen và quy tắc phổ biến nhất trong mọi cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng băn khoăn liệu có một câu hỏi phỏng vấn duy nhất nào có thể tiết lộ được ứng viên sáng giá ngay lập tức hay không không?

Tejune Kang, nhà sáng lập của công ty dịch vụ công nghệ Six Dimensions (Mỹ) có một câu hỏi phỏng vấn như thế. Và dưới đây là câu chuyện anh chia sẻ.

Kang hóm hỉnh nói: “Thế giới đầy ắp những điều bất thường, và tôi không muốn là người hoàn thiện tất cả những điều đó. Tôi chỉ đơn giản mong muốn thuê được một nhân viên xuất sắc mà thôi”.

Với phương châm đó, Kang luôn bắt đầu buổi phỏng vấn bằng những câu hỏi đơn giản nhất với mục đích đánh giá được mức độ mong muốn, khao khát và nỗ lực để có được công việc của ứng viên.

Anh hỏi về mục tiêu của ứng viên và cách họ hành động để đạt được mục tiêu đó ngay tại thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Ngoài ra, anh còn hỏi về các đối thủ cạnh tranh. Anh muốn biết lần cuối cùng ứng viên gặp phải sự cạnh tranh gay gắt là bao giờ, họ chiến thắng hay thất bại. Và nếu thất bại, cách họ xử lý sau đó như thế nào.

Và cuối cùng, câu hỏi “chốt hạ”, quan trọng nhất Kang đưa ra đó là: “Tôi thấy bằng cấp, CV và các kỹ năng của bạn rất ok, nhưng trong công ty của tôi, tất cả những nhân viên hiện tại đều có những tố chất tương tự như vậy. Vấn đề là tôi chưa nhìn ra điểm nào nổi trội hơn ở bạn”.

Sau đó, anh nghiêm túc nói: “Tôi rất tiếc, nhưng công việc này dường như không phù hợp với bạn”…

Kang ngồi quay mặt lại và chờ đợi phản ứng của ứng viên...

Đáng tiếc là có 9/10 ứng viên ngay lập tức buồn rầu nói: “Oh, rất xin lỗi vì đã làm mất thời gian của bạn. Cảm ơn vì buổi phỏng vấn”.

Tuy nhiên, theo Kang, 1 người duy nhất làm điều ngược lại đó lại là ứng viên sáng giá và vượt trội nhất. Họ không chịu khuất phục và sẵn sàng tiếp tục thử thách bởi họ thực sự mong muốn có được công việc này. Chính vì thế, họ không ngần ngại kháng lại lời từ chối không thương tiếc của Kang.

Trong trường hợp này, các ứng viên sáng giá sẽ nói: “Tôi nghĩ có sự nhầm lẫn gì đó. Tôi ở đây là có lý do, và tôi sẽ chỉ cho anh những tố chất của tôi mà anh chưa thấy”.

Bằng cách đó, ứng viên sáng giá nhất đã lộ diện!

“Đây là điểm cốt lõi trong các buổi phỏng vấn của tôi”, Kang nói. “Đôi khi bạn cần phải làm nóng không khí và đánh giá phản ứng của các ứng viên. Ai cũng có thể làm tốt nếu trong một môi trường hoàn hảo. Chỉ những nhân tố vượt trội mới có tố chất để giải quyết những vấn đề xảy ra trong tình huống diễn biến bất ngờ”.

Kang cho biết, hành động kể trên sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được chất lượng ứng viên, điều khó xác định nhất nếu chỉ thông qua buổi phỏng vấn thông thường.

Những ứng viên sáng giá và vượt trội là người không chỉ làm tốt ở những việc hiện tại, họ còn dám vượt rào cản, dư luận để tăng thêm cơ hội cho mình.

Có thể nói, những ứng viên tốt là người có thể làm được việc khi nó luôn diễn biến một cách tốt đẹp. Ngược lại, với những người xuất sắc và vượt trội, họ có thể hoàn thành tốt công việc kể cả khi mọi thứ xung quanh dường như sụp đổ.

Những người này luôn mong muốn, khao khát có công việc và chiến đấu với tinh thần không chỉ đơn giản là để dành chiến thắng mà còn để chiến thắng vượt trội.

“Rất nhiều công ty hiện nay đang thiếu nhân tài bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, tôi tin rằng họ có thể cải thiện tình hình này nhờ vào cách phỏng vấn, kiểm tra chất lượng ứng viên như trên”, Kang nói.

Theo Báo Pháp luật TP.HCM